Chậm đổi mới giáo dục là tội lỗi

Thứ tư, 13 Tháng 6 2018 13:56 (GMT+7)
Lần đầu tiên nghị trường QH treo máy trước phiên chất vấn dành cho người đứng đầu ngành giáo dục. Bởi giáo dục là quốc sách, giáo dục là chuyện của muôn nhà, muôn người, tác động đến hưng vong đất nước...

Vô số câu hỏi đặt ra, vô vàn lời đáp, người nghe là những thầy cô giáo mong muốn luồng gió mới cho sự nghiệp giáo dục nước nhà đã cố gắng hiểu nhưng sao vẫn thấy lùng bùng với những lộ trình, những quy hoạch, đổi mới, phân luồng, xếp loại...

Nhớ lại trong một buổi hội thảo nhỏ về đổi mới dạy học và đánh giá môn văn, một cô giáo  đã vào đề bằng câu nói rất thật của người cầm phấn mấy chục năm: "Chúng tôi luôn trăn trở, bởi nếu không đổi mới là tội lỗi".

Không tội lỗi làm sao khi chúng ta đã nói nhiều đến sự lỗi thời của giáo dục Việt Nam từ mọi khía cạnh: phương giảng dạy, thi cử đến nhân tố con người… Nguyên nhân là kém bắt nhịp với sự phát triển của khoa học công nghệ... Chương trình học nặng nề, nội dung ở mọi bậc học đều có từ thế kỷ trước. Học sinh phổ thông thường chỉ học để có điểm, lên lớp, học để thi, thi mỗi năm một kiểu, thi xong " tẩy não" - ngôn ngữ của trò...

Nếu trước đây, do hạn chế của sách vở và truyền thông, tri thức chủ yếu của học sinh là do thầy giáo truyền thụ, thì nay các tiện ích đa phương tiện là người thầy nghiễm của lớp trẻ. Lớp trẻ nhạy bén cái mới đã đến với tri thức một cách tự nguyện, và có được một khối kiến thức rất phong phú.

Các em học sinh tiểu học đã biết lập một trang facebook, các em biết sử dụng các công cụ tin học, đồ họa và các kỹ năng khác mà trước đây ở bậc cao mới tiếp cận được. Kiến thức mà các em tự tích lũy được rất phong phú và không giản đơn, khác xa với các em cùng lứa tuổi ở  thế kỷ trước rất nhiều. Vì thế chường trình đào tạo các em phải có những thay đổi phù hợp với trình độ, không thể theo giáo trình cũ của thế kỷ trước.

Chậm đổi mới giáo dục là tội lỗi - Ảnh 1.

Chương trình học hiện nặng nề nhưng nội dung các môn học đều có từ thế kỷ trước. Ảnh: Tấn Thạnh

Chương trình học nặng nề, học sinh bơ phờ mệt mỏi vì học sáng, trưa, chiều tối. Nhưng việc học xa rời với muôn vàn kỹ năng ngoài đời sống. Hệ quả khiến ai cũng giật mình năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/15 người Singapore.

Ở bậc đại học, với cách đào tạo thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, chỉ một thời gian nữa, lao động của Việt Nam chỉ làm những công việc đơn giản, còn lại thợ bậc cao cũng phải thuê...

Trong khi đó, người đứng đầu đội ngũ của chúng tôi nói quá nhiều những chỉ thị, chủ trương, nghị quyết... "đổi mới  không nóng vội", "phải có lộ trình", "có bước đi"...

Thế giới phẳng, cách mạng công nghiệp 4.0, một số nước người ta đã ước vọng về một xã hội siêu thông minh: "xã hội 5.0". Thời gian có chờ đợi ai đâu? Bao lớp trò cứ thế phải lớn lên trong giáo dục… chờ lộ trình, không nóng vội, bước đi chậm chạp!

Những bước đi chậm chạp đó có phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nhức nhối: Chỉ riêng năm 2017, 200.000 sinh viên không có việc làm sau tốt nghiệp đại học? Con số thật, còn khủng hơn nữa. Bên cạnh đó là con số ngoại tệ khổng lồ cho đầu tư giáo dục du học..

Bao học giả nặng lòng vì giáo dục đất nước đã lên tiếng rất nhiều. Cả xã hội mong đổi mới giáo dục để chấn hưng đất nước. Con thuyền giáo dục đừng bước đi chậm chạp nữa, hãy vượt qua mọi trở ngại dong buồm ra biển lớn để người Việt không bị thua kém và ngẩng cao đầu trước bạn bè năm châu.

Nguồn: (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục