Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT, nhìn lại 4 năm đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia và cho biết: "Chúng ta đã thực hiện kỳ thi này được 4 năm, Trung ương đang chỉ đạo sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó sẽ có nội dung sơ kết về đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia. Sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, đến khi có chương trình sách giáo khoa mới sẽ có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa ra phương án phù hợp cho giai đoạn tiếp theo".
Dù chưa "chốt" đáp án cho một phương án thi, xét tuyển phù hợp trong thời gian tới nhưng ông Trinh vẫn cho rằng việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như những năm qua là phù hợp. Dẫu đại diện của Bộ khẳng định chắc nịch nhưng dư luận xã hội vẫn không bớt băn khoăn.
Từng thay đổi nhỏ trong kỳ thi THPT Quốc gia đều khiến cho thí sinh gặp khó khăn. Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam không khỏi băn khoăn: “Tôi cảm nhận thấy Bộ đang loay hoay trong vấn đề tổ chức kỳ thi này nói chung và trong chuyện đề thi nói riêng. Năm nào Bộ cũng báo cáo nhân dân là kỳ thi kết thúc thành công, nhưng đến năm sau lại thay đổi. Như chuyện đề thi, mỗi năm có độ khó khác nhau, thiếu quan điểm và chính kiến để đưa ra một mẫu đề thi chuẩn”.
Rõ ràng, ý kiến của GS. Phạm Tất Dong là hoàn toàn có căn cứ, bởi lẽ, năm 2017 dư luận có ý kiến về chuyện “mưa điểm 10”, nguyên nhân được cho là đề thi quá dễ. Bộ đã biện minh rằng: “Ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống “hiếu học”. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và xuất hiện hầu hết ở các bài thi, môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 40 – 60%. Điều này cho thấy, phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt, với kết quả phân tích điểm nói lên tính khách quan, trung thực, công bằng trong công tác tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2017”.
Tuy nhiên, đến năm nay, đề thi được đánh giá “đúng năng lực” ấy lại thay đổi theo hướng khó hơn rất nhiều, khó đến nỗi nhiều Giáo sư về Toán cũng phải lắc đầu.
“Mỗi thay đổi trong kỳ thi đều ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Thí sinh phải ôn thi thế nào khi không thể biết năm sau đề thi khó – dễ ra sao? Việc này sẽ khiến cho việc dạy thêm, học thêm bùng phát, áp lực của kỳ thi được đẩy lên cao hơn mong muốn. Rõ ràng, người học là người thiệt thòi nhất, các cháu hoang mang trong việc ôn thi, lựa chọn bước đi trong cuộc đời”, ông Dong nói.
Ông Dong cũng nhận định rằng công tác làm đề thi của Bộ đang “gặp vấn đề”. Ông nêu quan điểm: “Từ việc thay đổi độ khó trong đề thi khiến cho dư luận hiểu rằng ngân hàng đề thi của Bộ có vấn đề. Ngân hàng này có thực sự đáp ứng được yêu cầu? Đề thi tổ hợp thì ghép mang tính cơ học, 3 môn thi trong 1 buổi với giờ giải lao là 10 phút mỗi môn, nếu là tổ hợp thì phải tổng hợp về kiến thức của 3 môn”.
“Mục đích của kỳ thi là đánh giá việc dạy và học đã không được thể hiện rõ ràng qua kỳ thi THPT Quốc gia bởi chính cách thực hiện của Bộ. Đây là việc Bộ nên thừa nhận, đừng nên loay hoay thay đổi để làm khổ thí sinh”, GS. Phạm Tất Dong nói thêm.