Mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 09:39 (GMT+7)
Việc sắp xếp tổ chức giáo dục nghề nghiệp cần có bước đi thận trọng, không vội vàng với mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% số cơ sở công lập.

Ảnh minh họa/internet

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương hồi đầu tháng 7/2018.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: Các địa phương bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, tập trung, rà soát, sắp xếp các tổ chức giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần thận trọng, không vội vàng, đảm bảo bước đi vững chắc với mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% các cơ sở công công lập.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng đề nghị: Thứ nhất, sắp xếp lại các trung tâm theo hướng tích hợp 2 trong 1.

Thứ hai, rà soát lại các trường trung cấp. Khi các trường nghề có trên 50 ngành nghề đào tạo trùng với các ngành nghề với các trường cao đẳng để tổ chức lại và sáp nhập vào trường cao đẳng.

Thứ ba, khuyến khích các trường tự chủ phát triển, giao quyền tự chủ cho các trường. Trước hết là tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức. Đồng thời chuyển mạnh sang đào tạo đặt hàng, kết nối với doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ tư, Hiện nay một số địa phương đang cổ phần hóa trung tâm dịch vụ việc làm công. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị không thực hiện chủ trương này. Vì trung tâm dịch vụ công hiện nay đang được giao chức năng đảm bảo về bảo hiểm thất nghiệp.

Về lao động việc làm, theo Bộ trưởng, tiền lương cho người lao động sẽ phát sinh một số vấn đề có thể nảy sinh, vì thế các địa phương cần quan tâm việc này để giữ ổn định, nhất là khi chúng ta chuyển sang bảng lương mới, bảo hiểm mới, khi nhà nước không can thiệp trực tiếp vào doanh nghiệp trong thang bảng lương, rất dễ dấn đến việc suy diễn và lôi kéo người lao động.

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương cùng các bộ, ngành tăng cường quản lý, thanh tra xử lý nội bộ, nhất là nợ lương, nợ bảo hiểm không để nảy sinh những vấn đề bức xúc. Đồng thời sớm phát hiện nguy cơ xảy ra tranh chấp để tổ chức đối thoại, hòa giải và giải quyết tranh chấp.

 

Nguồn: Minh Phong - (giaoducthoidai.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục