ĐBQH: Bộ GD&ĐT cần khắc phục kẽ hở “nguy hiểm” của kỳ thi THPT 2018

Thứ tư, 01 Tháng 8 2018 09:23 (GMT+7)
Liên quan đến những tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, bộ GD&ĐT cần khắc phục những kẽ hở “nguy hiểm”.

Những tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã tạo ra một “cơn địa chấn” trong xã hội. Việc điểm số bị “phù phép” bất ngờ tại Hà Giang và Sơn La khiến dư luận không khỏi băn khoăn, nghi vấn với 1 kỳ thi vốn được coi trung thực và hiệu quả. Hệ quả đó đã gióng lên  hồi chuông về những lỗ hổng trong kỳ thi này, đặc biệt là quy trình chấm và bảo mật bài thi!

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Ưu điểm của việc tổ chức thi gộp là giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ và đặc biệt làm giảm bớt chi phí cho Nhà nước và nhân dân. Bản thân các thí sinh cũng giảm áp lực khi không phải thi 2 kỳ thi liên tiếp đầy căng thẳng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn tổ chức thi THPT Quốc gia 2018 ta có thể thấy rất nhiều vấn đề đã xảy ra, đặc biệt là những tiêu cực vô cùng nghiêm trọng tại tỉnh Sơn La và Hà Giang những ngày qua. Phải nói rằng, phần lớn tiêu cực trong thi cử trong năm nay đều ở cán bộ sở GD&ĐT của tỉnh mà ra”.

Đại biểu Hòa phân tích: “Trong cách tổ chức thi năm nay, việc Bộ giao toàn quyền cho sở GD&ĐT của tỉnh cũng là cách để họ thực hiện tiêu cực dễ dàng. Chưa kể đến việc, nhiều địa phương còn mắc bệnh thành tích dẫn đến tình trạng “học dở thành giỏi” và vấn đề tiêu cực diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Lỗ hổng lớn nhất là vấn đề chấm thi và bảo mật bài thi. Điều này thể hiện rõ khi các cán bộ có thể dễ dàng can thiệp vào kết quả thi của những thí sinh mình muốn thay đổi.

Qua nhiều năm, quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là chấm thi trắc nghiệm. Thế nhưng, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, dù kỹ thuật cao đến đâu vẫn phải dưới sự vận hành của con người. Sự chủ quan, không kiểm soát chặt chẽ trong quy trình chấm thi và bảo mật bài thi là bài học đắt giá.

Thực tế đã cho thấy thi trắc nghiệm là hình thức thi nhanh gọn, tiết kiệm chi phí nhưng hiện tại nó bộc lộ những lỗ hổng “chết người”, đặc biệt là lỗi bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Một chút am hiểu công nghệ thông tin là có thể sửa kết quả thi trong tích tắc”.

Giáo dục - ĐBQH: Bộ GD&ĐT cần khắc phục kẽ hở “nguy hiểm” của kỳ thi THPT 2018

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Cũng theo vị Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì, bộ GD&ĐT nên “trả” việc tổ chức thi tốt nghiệp cho địa phương và tổ chức 1 kỳ thi đại học riêng.

“Đồng ý rằng việc tách riêng các kỳ thi này có thể gây tốn kém và vẫn có thể xảy ra tiêu cực, tuy nhiên rõ ràng nó đã hạn chế được thấp nhất tiêu cực xảy ra. Việc tổ chức thi riêng cũng được coi là biện pháp hiệu quả phân biệt được năng lực của các thí sinh.

Theo đó, các phụ huynh và học sinh có thể lượng sức học của thí sinh. Nếu nhận thấy mình đủ năng lực và quyết tâm chinh phục các trường đại học thì các thí sinh đăng ký dự thi, còn ngược lại thấy không đủ năng lực thì nên chọn con đường phù hợp hơn...”, ông Hòa nhìn nhận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, việc hạn chế được chi phí là một điều tốt nhưng nếu tổ chức một kỳ thi không tốn kém nhưng để xảy ra nhiều tiêu cực thì còn đau đớn, xót xa hơn.

Nó không chỉ gây hậu quả lâu dài mà nặng nề hơn vấn đề kinh tế đó là tinh thần, là sự hoang mang của dư luận. Ngưỡng đại học cần phải lựa chọn những người tài, xứng đáng.

Việc xảy ra tiêu cực tại Hà Giang và Sơn La là một bài học xót xa cho ngành Giáo dục Việt Nam. Đã đến lúc, Bộ phải xem xét để đảm bảo sự công bằng, trung thực cho một kỳ thi quan trọng của quốc gia”.          

Nguồn: Hường - Chang - (nguoiduatin.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục