Khi câu chuyện sách giáo khoa đột nhiên khan hiếm và năm học mới chưa bắt đầu thì dư luận lại xôn một lần nữa về vấn đề sách giáo khoa của học sinh chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ gây lãng phí lớn. Đầu năm học 2018-2019 xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành. Nhiều người dân quay cuồng, lùng sục tìm mua SGK cho con. Đến nay, đã vào chương trình chính thức nhưng vẫn còn tình trạng học sinh phải "học chay" vì chưa đủ sách. Trước tình trạng này, việc sử dụng SGK cũ được nhiều người đặt ra.
Trên thực tế nhiều năm gần đây, học sinh sử dụng sách rồi bỏ, việc sách được tái sử dụng không nhiều. Theo phản hồi của phụ huynh, học sinh, một số cuốn sách giáo khoa hiện tại có thể tái sử dụng. Một số cuốn khác do có sẵn phần câu hỏi, bài tập buộc học sinh phải ghi chép hoặc điền vào nên chỉ dùng được một lần. Sự lãng phí này khiến dư luận bức xúc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Nhà nước nên có ý kiến với bộ GD&ĐT về vấn đề sách giáo khoa chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí ngân sách. Sách giáo khoa là loại sách cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh. Tùy từng môn học, sách được biên soạn, thiết kế và trình bày dưới những hình thức khác nhau sao cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều loại sách lại có thêm phần câu hỏi và bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm rồi yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền đáp án vào đó.
Các câu hỏi tự luận hay trắc nghiệm đưa ra trong sách là điều hết sức cần thiết, nhưng thay vì có phần trống hay ô vuông nhỏ để ghi chép hoặc điền vào, học sinh có thể trả lời các câu hỏi trong một quyển vở khác. Việc này nó đơn giản hơn làm bài tập trên chính sách giáo khoa vì nó kéo theo nhiều vấn đề, tiêu biểu như lãng phí tiền khi sách chỉ sử dụng được một lần cho đến khâu in ấn, làm bìa, người biên tập… Như vậy, hàng tỷ đồng được sử dụng chưa khoa học, khiến cho việc huy động tiết kiệm sách giáo khoa ở lớp học trước cho lớp học sau không thể thực hiện được".
GS.TS Phạm Tất Dong cũng đề nghị “những cơ quan chức năng có trách nhiệm phải suy xét trong vấn đề phải hết sức tiết kiệm, bởi ở nông thôn hay trên vùng núi khó khăn, không phải ai cũng đủ điều kiện để bỏ ra hàng đống tiền năm nào cũng mua sách giáo khoa mới. Đất nước mình vẫn còn khó khăn, nên điều gì lãng phí, không đáng thì nên hạn chế và đây cũng là một bài học để giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau”.