Cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chương trình học kém hấp dẫn
Đánh giá về thực trạng hiện nay, các đại biểu, giảng viên đều có chung nhận định: công tác GDTC&TDTT cũng như các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà trường còn thiếu và chưa được quan tâm đúng mức; nhiều cán bộ, lãnh đạo nhà trường các cấp chưa coi trọng công tác GDTC nhằm nâng cao sức khỏe, góp phần đào tạo con người toàn diện, ngâng cao tầm vóc, thể trạng người Việt. Sân bãi, phòng tập thể dục, trang thiết bị tập luyện, dụng cụ TDTT còn thiếu thốn và chưa đủ chuẩn; đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là chương trình học còn nghèo nàn, chưa hợp lý, không hấp dẫn học sinh, sinh viên; các hoạt động kỹ năng sống, dã ngoại còn ít, chưa được quan tâm và khuyến khích.
Sinh viên tập luyện bóng chuyền tại Nhà thi đấu đa năng Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Trường Đại học Cần Thơ cung cấp
Điển hình như ở Đại học Huế, với gần 50.000 sinh viên đang tham gia học tập đã xảy ra tình trạng quá tải đối với các hoạt động GDTC chính khóa. Diện tích sử dụng trên tổng số sinh viên các đơn vị thành viên Đại học Huế là 1,18m2/sinh viên, chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 4m2/sinh viên. Chương trình GDTC hiện nay tại Đại học Huế gồm 4 học phần, tương ứng với 4 học kỳ, mỗi học kỳ 15 buổi học (2 tiết/buổi) và 1 buổi thi. Riêng sinh viên ngành y dược do đặc thù đào tạo chuyên môn nên mỗi sinh viên chỉ học GDTC ứng với 2 học kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Gắng, Khoa GDTC, Đại học Huế, đánh giá: “Với điều kiện sân bãi và quỹ thời gian học tập hạn hẹp như vậy, chất lượng GDTC cho sinh viên không đạt như mong muốn. Vì vậy, rất cần đổi mới hình thức dạy và học”.
Thực trạng khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất cũng là vấn đề chung ở các trường thuộc các vùng, miền khác trên cả nước, như tại Trường Đại học Tiền Gang, diện tích dành cho sinh viên luyện tập TDTT còn quá chật hẹp, không có nhà thi đấu đa năng, không có sân vận động, hồ bơi... TP Hồ Chí Minh tuy hằng năm được đầu tư, bổ sung nhiều sân bãi tập luyện, hồ bơi, dụng cụ thể thao nhưng do quy mô tường, lớp và số lượng học sinh quá đông nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2014-2015, toàn quốc có 64% cơ sở đào tạo có nhà tập TDTT, 72% cơ sở đào tạo có sân tập TDTT; đội ngũ giáo viên, giảng viên TDTT chưa đảm bảo đủ số lượng; gần 54% giáo viên, giảng viên chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn.
Để GDTC & TDTT đạt hiệu quả
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; mạnh dạn đổi mới chương trình dạy và học với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn; tăng cường hoạt động ngoại khóa; phát triển các câu lạc bộ TDTT, kỹ năng, phong trào... là những giải pháp được các trường thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo.
Trường Đại học Huế cho rằng, ngoài áp dụng các trò chơi vận động lồng ghép trong giảng dạy hiện nay, thì dã ngoại, tự tập là giải pháp chính yếu, nâng cao hiệu quả giáo dục và phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Trường Đại học Cần Thơ có những nghiên cứu đánh giá toàn diện về thể chất, tạo cơ sở khoa học giúp sinh viên xây dựng mục tiêu và chương trình tập luyện, từ đó làm cơ sở cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo ngành GDTC đạt được hiệu quả theo định hướng phát triển giáo dục trong thời kỳ mới. Đại học Tiền Giang chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên bộ môn GDTC (8 giảng viên trình độ thạc sĩ và 5 giảng viên trình độ đại học) cùng với tăng cường hoạt động ngoại khóa, xây dựng các câu lạc bộ, khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có...
TP Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động nổi bật trong nâng cao chất lượng công tác GDTC&TDTT. PGS.TS Trịnh Hữu Lộc, Trường Đại học Sư phạm TDTT TP Hồ Chí Minh, cho biết, ông và các cộng sự đã nghiên cứu, đưa ra 15 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDTC trong các trường phổ thông của thành phố. Trong đó, nhiều giải pháp được tiến hành và đạt kết quả cao. Tiêu biểu như: tăng cường các môn thể thao tự chọn trong nhà trường, môn bơi lội được khuyến khích đưa vào giờ học tự chọn và giờ học ngoại khóa nhằm tiến tới phổ cập bơi lội trong toàn thành phố. Xây dựng trường, lớp năng khiếu TDTT; thành lập các câu lạc bộ TDTT trong nhà trường; xã hội hóa các hoạt động thể thao... Đặc biệt, phong trào Hội khỏe Phù Đổng và thể thao ngoại khóa được quan tâm phát triển. Hiện thành phố tổ chức học tập 28 môn thể thao thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng; trung bình hằng năm có khoảng 90% số trường tổ chức Hội khỏe Phù Đổng với khoảng 400.000 học sinh tham gia thi đấu.
* * *
Theo Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ GDTC, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy còn những khó khăn, hạn chế nhưng phương pháp dạy học GDTC bước đầu đã có những đổi mới theo hướng tích cực; thiết kế giờ học có trọng tâm, từng bước liên hệ với thực tế, phần nào tạo được sự sinh động và thu hút học sinh; kiểm tra đánh giá kết quả học tập có những thay đổi phù hợp... Những chuyển biến trên là tiền đề để các trường tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác GDTC&TDTT.