Ngày 24-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH-GD-TN-TN-NĐ) của Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Giáo viên THCS: Thiếu mà thừa
Trực tiếp giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận vấn đề tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên cần tiếp tục làm tốt hơn. Thực tế, hằng năm, bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phát triển đội ngũ ở một số địa phương. Những điểm "nóng" mà báo chí nêu về chấm dứt hợp đồng, thừa/thiếu giáo viên bộ đều có chỉ đạo để giải quyết kịp thời mà vụ việc ở chấm dứt hợp đồng giáo viên ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) là điển hình.
Bộ GD-ĐT đang rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cho phù hợp với yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ trong thời gian tới. Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người. Riêng cấp THCS hiện nay có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương mà không điều tiết được. Do đó, hiện nay vừa thiếu 10.143 giáo viên THCS vừa vẫn thừa 12.165 giáo viên ở cấp học này.
Từ tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng quy: huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), Cà Mau, huyện Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị...
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch; cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Các giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng vào tháng 10 tới Ảnh: CAO NGUYÊN
Có cần thiết thi tốt nghiệp THPT?
Báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT năm 2018 của Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ cho rằng Bộ GD-ĐT ban hành bộ đề thi minh họa muộn hơn so với các năm trước đã ảnh hưởng đến công tác tổ chức ôn tập của các nhà trường. Còn về hình thức thi trắc nghiệm, báo cáo nhận định chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập... Thường trực Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ đề nghị để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá trình độ, năng lực của học sinh phổ thông, Bộ GD-ĐT cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, bảo đảm chất lượng đề thi; nghiên cứu hoàn thiện các bài thi tổ hợp, bảo đảm kiến thức tổng hợp và khoa học.
Tại phiên giải trình, một số đại biểu Quốc hội nêu lo ngại của nhiều cử tri về tỉ lệ tốt nghiệp THPT quá cao, gần 100% thì việc tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT có cần thiết không? Nếu giữ kỳ thi THPT thì bộ sẽ cải tiến theo hướng nào để vừa gọn nhẹ vừa tránh được những sai phạm lớn như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đã tham khảo nhiều nước vẫn áp dụng thi THPT. "Quốc tế tin tưởng vào chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam. Việc tổ chức thi THPT không chỉ để công nhận tốt nghiệp mà còn kiểm tra nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học ở phổ thông để điều chỉnh" - ông Nhạ phân trần.
Trước băn khoăn về nguyên nhân tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng thời gian qua, điểm học bạ gần như là "phao cứu sinh" để nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ từng bước tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở một mức độ nhất định để kỳ thi thực chất hơn.
Nếu giao cho các tỉnh tổ chức kỳ thi THPT thì bệnh thành tích sẽ còn kéo dài và như vậy tốt nghiệp sẽ gần như toàn bộ. Bộ bảo lưu cần phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng phải cải tiến để sát với mục tiêu” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Quốc hội sẽ giám sát tối cao
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cho biết mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng giáo viên khá nhiều, gần trên 20 văn bản dưới luật nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau. "Thời gian tới, ủy ban sẽ kiến nghị tăng cường giám sát tối cao để có đánh giá sâu hơn về lĩnh vực này" - ông Bình nhấn mạnh.