Chuẩn hiệu trưởng phù hợp với thực tiễn, dễ vận dụng và có tính khả thi cao

Thứ sáu, 19 Tháng 10 2018 11:02 (GMT+7)
Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, ngày 20/7/2018 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 14/2018 quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Và ngày 22/8/2018 Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số 20/2018 quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT.

Vai trò của hiệu trưởng hết sức quan trọng với công tác đổi mới dạy và học

Đây sẽ là căn cứ để hiệu trưởng cơ sở GDPT tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Yêu cầu cao hơn với hiệu trưởng

Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, hiệu trưởng cơ sở GDPT phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. Trong đó, hiệu trưởng phải là người có vừa có phẩm chất nghề nghiệp vừa có khả năng quản trị nhà trường.

Là người từng nhiều năm ở cương vị hiệu trưởng, thầy Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Tiến, Mộc Châu (Sơn La) cho biết, Thông tư mới về đánh giá chuẩn hiệu trưởng phù hợp với thực tiễn, dễ vận dụng và có tính khả thi cao. Việc áp dụng chuẩn hiệu trưởng nếu đánh giá một cách khách quan, đồng bộ giữa các tổ chức ở các địa phương sẽ tạo nên một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đánh giá phải căn cứ vào hiệu quả công việc thực tế mà trường đó làm được chứ không nên minh chứng bằng văn bản, kế hoạch, báo cáo.

Ví dụ khi đánh tiêu chí 11 “Xây dựng văn hóa nhà trường” thì tổ chức đánh giá đến thăm trường không báo trước mà thấy học sinh chăm ngoan, có ý thức tổ chức kỷ luật, tập thể đoàn kết, học sinh thân thiện, trường khang trang sạch sẽ, nề nếp, nhà vệ sinh sạch sẽ… đó là đạt yêu cầu.

Thầy Trần Minh Đức cho rằng, nếu đánh giá khách quan, không máy móc, thực tế thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao. Còn nếu đánh giá tiêu chí hiệu trưởng chỉ dựa trên hồ sơ thì hiệu quả không cao.

 Ảnh minh họa /Internet

Trách nhiệm lớn trong đổi mới dạy và học

Theo cô Nguyễn Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hà Nội), yêu cầu về đổi mới đòi hỏi phải tăng tính tự chủ và sáng tạo cho hiệu trưởng. Đó là việc cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục.

Khi áp dụng Chương trình và sách giáo khoa mới vào năm học tới, vai trò “đầu tàu” và tính tự chủ của hiệu trưởng lại càng quan trọng hơn nữa. Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc đổi mới việc dạy và học theo hướng thay đổi từ dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động. Trong chuẩn mới, hiệu trưởng sẽ được trao quyền nhiều hơn và chịu trách nhiệm lớn hơn.

Với vai trò “thuyền trưởng”, thầy Trần Minh Đức cũng cho rằng, mỗi hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc đổi mới dạy và học, thế nhưng, hiện nay, công tác bồi dưỡng tập huấn còn mang tính chất chung chung, chưa có tính thực tiễn áp dụng.

 Theo chuẩn hiệu trưởng mới, việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học là rất cần thiết để phát triển nhà trường. Việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện minh bạch, chọn người có năng lực thì chỉ cần chọn một hội đồng có uy tín ngồi đánh giá nhận xét khách quan với nhau qua các kênh thông tin: Giáo viên, học sinh, phụ huynh, chính quyền địa phương, việc làm thực tế... thì mới chọn được người có phẩm chất năng lực  

thầy Trần Minh Đức chia sẻ

Thời gian gần đây, việc bồi dưỡng hiệu trưởng đã được quan tâm hơn; nhiều cán bộ nguồn (quy hoạch) đã được cử đi học bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm. Song, khác với các nhà quản lý ở những lĩnh vực khác, hiệu trưởng không phải chỉ là nhà quản lý bình thường mà còn phải là nhà sư phạm, nhà giáo dục nên sẽ tạo ra những tác động lớn tới nhân cách đội ngũ giáo viên và nhân cách học trò. Vì thế công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý phải được đặt ra thường xuyên để đáp ứng với yêu cầu mới.

Theo thầy Trần Minh Đức, để công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên có hiệu quả phải có tính thực tiễn địa phương; cần gì, thiếu gì thì bồi dưỡng cái đó. Mỗi Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cần chọn một vài cốt cán là CBQL có uy tín, có phẩm chất, năng lực, đề xuất nội dung để bồi dưỡng phù hợp với thực tiễn địa phương và căn cứ vào đó xây dựng những chuyên đề bồi dưỡng gắn với thực tiễn. Hơn nữa báo cáo viên cũng phải là người có uy tín, năng lực thì mới thuyết phục được người nghe.

Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, chính hiệu trưởng chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Cùng với giáo viên, đội ngũ hiệu trưởng là lực lượng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.

Trong giai đoạn tới, việc lựa chọn, bổ nhiệm hiệu trưởng dựa theo chuẩn sẽ là điều tất yếu. Trước mắt chuẩn cần được sử dụng như một công cụ đắc lực cho việc phát triển năng lực quản trị nhà trường của hiệu trưởng, xây dựng các chương trình bồi dưỡng phù hợp với các nhu cầu phát triển đa dạng của cán bộ quản lý giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, giúp cho hiệu trưởng thường xuyên học tập không ngừng để đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Nguồn: Lê Đăng - (giaoducthoidai.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục