Công trình nghiên cứu máy in 3D siêu rẻ của hai học sinh tại quận 4, TP HCM vừa đoạt giải cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quận. Điều đáng nói là chiếc máy in hiện đại, có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn được hình thành từ những vật liệu thông thường, không tốn kém nhờ học sinh sử dụng triệt để ứng dụng STEM và học tập mô hình STEM của Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP HCM).
Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo
Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đề ra những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại trường học.
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Tại TP HCM, giáo dục theo định hướng STEM ban đầu manh nha từ các câu lạc bộ khoa học ở một số trường học, chẳng hạn như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS Lê Quý Đôn… Sau đó, có thêm nhiều trường triển khai theo hình thức xã hội hóa và thỏa thuận với phụ huynh.
Theo ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, khi học các môn học theo phương pháp STEM thì giống như quan điểm giáo dục của Việt Nam từ trước là "học đi đôi với hành". Bản chất của phương pháp này là giúp các em học sinh có được sự chủ động sáng tạo, thích thú trong học tập, kích thích hoạt động não bộ, rèn luyện việc học tập thông qua các phương pháp nghiên cứu khoa học ứng dụng hiện đại. Cuối cùng là tạo ra một lớp học thật sự do học sinh làm chủ, học sinh là trung tâm.
Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang trong giờ học STEM. Ảnh: TẤN THẠNH
Vẫn mơ hồ, lúng túng
Dù từ khóa "STEM" xuất hiện nhiều lần trên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành giáo dục và đào tạo nhưng trong thực tế, vẫn nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh còn mơ hồ về phương pháp giáo dục này.
Thừa nhận là định hướng giáo dục tiên tiến, tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật trên thế giới, tuy nhiên hiệu trưởng nhiều trường phổ thông cho rằng vẫn còn quá khó để triển khai và thực hiện. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 thông tin có nhiều học sinh thật sự muốn học nhưng trường không có điều kiện đành phải giới thiệu qua trường khác tham quan, học tập.
Ông Võ Thiện Cang cho biết trường đang triển khai giáo dục STEM với số tiền 180.000 đồng/tháng, một tuần 2 tiết. Thu theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh và thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tại Văn bản 3049 ngày 5-9-2018. Tuy nhiên, có phụ huynh vẫn còn băn khoăn với phương pháp giáo dục và số tiền phải đóng.
Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết STEM đang được triển khai ở toàn bộ khối lớp 6 và 7 theo hướng bắt buộc, một học kỳ tổ chức 2 lần và phải có 2 sản phẩm. Với khối lớp 8 và 9 được tổ chức theo hình thức câu lạc bộ. Những tiết học STEM tại trường thu hút học sinh. Ví dụ tiết học "Trải nghiệm sáng tạo cùng ánh sáng", từ những kiến thức toán, vật lý, công nghệ, mỹ thuật, giáo viên đã hướng dẫn học sinh tự tay chế tạo ra đèn ngủ…
Tuy là mô hình giáo dục hay, giáo viên các trường được tập huấn nhiều nhưng nhiều trường vẫn còn lúng túng. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho hay trường còn dư phòng chức năng nên sẽ cải tạo, sắp xếp thành phòng giáo dục STEM. Trường cũng đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức nhiều buổi tập huấn cho giáo viên. Tuy nhiên, về lâu dài trường vẫn cần phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo từ các đơn vị.
Không đầu tư nhiều thiết bị
Ông Phạm Đăng Khoa cho rằng giáo dục STEM không nhất thiết phải là đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Thực tế sau những giờ học tại trường, có những sản phẩm vô cùng tiện ích được tạo ra từ những vật dụng tưởng như bình thường như tấm gỗ. Học sinh vào máy tính tạo kiểu chữ, rồi qua một ứng dụng công nghệ, khắc những chữ đó lên miếng gỗ... "Chủ yếu là tinh thần các trường có muốn thực hiện hay không" - ông Khoa nói.