Tiến sĩ Đỗ Tấn Khang, giảng viên Trường ĐHCT trong giờ dạy môn Tin Sinh học.
Giờ học môn Tin Sinh học (sử dụng công nghệ thông tin trong phân tích gien công nghệ sinh học) của sinh viên ngành Công nghệ sinh học, do tiến sĩ Đỗ Tấn Khang, giảng viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường ĐHCT phụ trách, diễn ra trong không khí học thuật nghiêm túc, thu hút. Chỉ vài cú nhấp chuột, biểu bảng phân tích gien hiện rõ trên màn hình, thầy Khang giảng bài lưu loát, sinh viên chăm chú nghe, ghi chú cẩn thận những điểm quan trọng của bài học… Thầy Khang cho biết: “Vừa qua, trường tạo điều kiện cho giảng viên tham gia khóa tập huấn tại Nhật Bản cách sử dụng, bảo trì các thiết bị phân tích (công nghệ cao) về giải trình tự gien. Từ kiến thức đã học, tôi cố gắng truyền đạt đến sinh viên, giúp các em có thể sử dụng, thao tác hiệu quả, phù hợp với các môn học tương ứng. Bản thân tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng thiết bị tiên tiến phù hợp vào tình hình thực tế ở Việt Nam nói chung và cụ thể tại Trường ĐHCT”.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành Công nghệ sinh học năm 2005, thầy Khang khi đó được giữ lại làm nghiên cứu viên của trường năm 2006. Sau đó, thầy học lấy bằng thạc sĩ ngành Khoa học thực phẩm ở Úc và học lấy bằng tiến sĩ tại Nhật chuyên ngành Công nghệ sinh học. Tiến sĩ Khang cũng là một trong số cán bộ, giảng viên Trường ĐHCT tham gia khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản từ tháng 12-2017 đến tháng 1-2018. Nội dung tập huấn chủ yếu về quản trị thiết bị, sử dụng, bảo trì lâu dài các thiết bị phân tích giải trình tự gien. Khóa học nằm trong khuôn khổ hợp tác Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT trở thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ (Dự án); sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (kinh phí 105,9 triệu USD). Theo tiến sĩ Khang, thiết bị phân tích giải trình gien có chi phí rất cao, niên hạn sử dụng trong 9-10 năm là tốt nhất. Do đó, việc chia sẻ, sử dụng chung thiết bị ở các khoa hay các trường sẽ phát huy tối đa công năng.
Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của bộ, ngành quản lý và địa phương, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trường. Do vậy, thời gian qua, trường đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác với trường từ rất lâu ở tất cả phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong gần 2.000 công chức, viên chức và người lao động của trường, số lượng giảng viên có trình độ sau đại học đạt trên 95%, có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ của trường tốt nghiệp từ Nhật Bản. Hiện nay, Dự án đang được thực hiện giai đoạn 2015-2022, ở hợp phần phát triển nguồn nhân lực, Dự án đào tạo cho trường 63 tiến sĩ (trong đó có 30 người đang học), 9 thạc sĩ, 100 lượt đào tạo nghiên cứu ngắn hạn từ 1-3 tháng.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: “Trường có 43 tiến sĩ đang công tại các đơn vị trực thuộc, tốt nghiệp từ các trường đại học của Nhật Bản. Trong số này, có những thầy cô giữ vị trí quan trọng ở trường, các khoa, viện. Họ còn là những cầu nối để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ giữa trường và các đối tác Nhật”.
***
Theo lãnh đạo Trường ĐHCT, nhà trường đã có mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản từ những năm 1966-1975. Khi đó, nhiều nhà khoa học Nhật đã đến trao đổi hợp tác, nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp. Sau năm 1975, trường được tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ 25 triệu USD để xây dựng Khoa Nông nghiệp. Đồng thời, trường và các đối tác Nhật đã hợp tác thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, biến đổi khí hậu… nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho ĐBSCL; nhất là phát triển nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo cách tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nhấn mạnh: “Trường nỗ lực tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Dự án, vì đây là nền tảng để trường phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ chung trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”. |
Theo ông Tsunoda Manabu, Cố vấn trưởng Dự án, trong các hợp phần, hợp phần về đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học được quan tâm nhiều nhất. Thông qua các chương trình hợp tác giữa Trường và các đối tác Nhật Bản (gồm 9 trường đại học trực thuộc) sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Để nâng cao hiệu quả Dự án, tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa trường - doanh nghiệp đầu tư - cộng đồng - chính quyền địa phương. Tôi kỳ vọng Dự án này giúp Trường ĐHCT trở thành trường trọng điểm nghiên cứu của khu vực châu Á về đào tạo, nghiên cứu biến đổi khí hậu. Thông qua Dự án, cũng giúp trường trở thành điểm hữu ích đối với sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu”, ông Tsunoda Manabu khẳng định.