Sáng tạo trong giảng dạy và thấu cảm học trò

Thứ hai, 19 Tháng 11 2018 09:13 (GMT+7)
Có những giáo viên âm thầm tìm cách để hiểu học trò, đặt mình vào vị trí của trẻ để trò chuyện, thấu hiểu, từ đó thay đổi cách quản lý và sáng tạo trong phương pháp giáo dục

Vào thứ ba hằng tuần, những học sinh (HS) có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện của Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP HCM) đều nhận được một lá thư mời ăn sáng cùng cô Trần Thúy An, hiệu trưởng nhà trường, với tên gọi "Breakfast with Principal" (Ăn sáng với hiệu trưởng). Bữa ăn sáng có một yêu cầu khá đặc biệt là cô và trò sẽ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.

Mời ăn sáng để lắng nghe

Chúng tôi đến Trường THCS Minh Đức vào một buổi sáng. Tại căng-tin của trường, cô Trần Thúy An và 2 HS của lớp 6/7 là em Lê Thị Thiên Kim và Phạm Minh Đức đã gọi xong món ăn cho bữa ăn sáng của mình. Buổi trò chuyện của 3 cô trò diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, từ việc gọi món ăn, gọi đồ uống cho đến cùng trao đổi về các chủ đề như gia đình, học tập, những dự định mà các em ấp ủ, mong muốn của các em với ngôi trường các em đang theo học.

Lắng nghe những chia sẻ của HS, cô An hỏi: "Nếu cô dự định làm một sân bóng trong khuôn viên trường thì các em thấy thế nào? Có thích trồng thêm nhiều chậu cây xanh, hoa từ vật dụng tái chế?". Hay những câu hỏi thiết thực như: "Các em có hài lòng với nhà vệ sinh của trường không?".

Trước đó, trong bữa ăn sáng với HS có thành tích xuất sắc nhất khối 8 là em Châu Bác Nhã, cô Thúy An chọn chủ đề nói chuyện về tâm lý lứa tuổi như làm thế nào để kiểm soát tình bạn khác giới, hướng đi của bản thân trong tương lai. Ngoài ra, cô và trò cũng trao đổi những trở ngại về ngôn ngữ khi học với giáo viên người nước ngoài hay mong muốn của học sinh về bộ đồng phục, về hoạt động ngoại khóa... Cô cũng nói vui đề nghị Nhã sau này có thể mời cô bữa ăn sáng bằng tiền lương của mình.

Nói về ý tưởng này, cô Trần Thúy An chia sẻ từ đầu năm học 2018-2019, cô được phân công về quản lý tại trường Minh Đức. Khi mới tiếp nhận, mọi thứ với cô vẫn khá mới mẻ, vì vậy cô đã ấp ủ ý tưởng này để có thể lắng nghe học trò của mình nhiều hơn. Chủ đề của buổi trò chuyện luôn được cô Thúy An linh hoạt thay đổi để tạo sự mới mẻ cũng như phù hợp với từng độ tuổi HS. Lời mời ăn sáng của cô hiệu trưởng có kèm theo mời cả phụ huynh để qua đó lắng nghe tâm tư của phụ huynh, họ mong muốn điều gì với con em mình, với giáo viên, với nhà trường. "Về trường, tôi thấy khả năng tiếng Anh của các em khá tốt, cần tạo môi trường để các em giao tiếp, thể hiện sự tự tin của các em cũng như bổ sung nhiều vốn từ vựng hơn. Còn với bạn nào tiếng Anh chưa thực sự tốt thì thông qua việc gặp gỡ trò chuyện này, các em cũng có những cố gắng hơn trong học tập, thấy được tiếng Anh rất quan trọng trong cuộc sống" - cô An nói.

Cô Trần Thúy An cũng chia sẻ rằng còn nhiều ý tưởng muốn thực hiện cùng HS nhưng mong mỏi lớn nhất của cô là được trò chuyện cùng các em, để cô trò thông hiểu nhau hơn.

Sáng tạo trong giảng dạy và thấu cảm học trò - Ảnh 1.

Cô Trần Thúy An cùng học trò ăn sáng, trò chuyện

Chấm điểm cho cảm xúc

Mỗi HS là một cá tính riêng biệt, thấu hiểu học trò không thể bằng cách ngồi trên bục giảng hay đóng mình trong những giờ học khuôn mẫu. Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM), có cách để lắng nghe học trò rất độc đáo. Cô không dùng thang điểm 10 để chấm điểm cho những bài văn, cô để cho học trò thoải mái mộng mơ, thoải mái giãi bày khi... phá luật chấm điểm cho cảm xúc thật nhất.

Học trò Trường THPT Trưng Vương sẽ không thể nào quên tiết học văn bằng nhạc không lời và yêu cầu duy nhất là: "Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến ba, mẹ của mình nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được. Cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con".

Ban đầu nhiều HS kêu... sến lắm, không viết được. Nhưng rồi đến giữa buổi đã có những tiếng sụt sịt trong lớp. Có những bài làm văn vỏn vẹn vài dòng rồi không viết được nữa vì xúc động. Có em gửi cho người mẹ đã khuất, mong kiếp sau vẫn được làm con của mẹ. Cô Trần Thị Quỳnh Anh cho biết lúc đầu đọc trong hồ sơ HS, cô thấy có vài trường hợp khuyết tên ba hoặc mẹ. Ý định về những bài văn chấm điểm cho cảm xúc là để tìm hiểu hoàn cảnh của những HS nhưng sau đó cô nghĩ, biết đâu các em cũng có những tâm sự riêng. Cô cũng nhận thấy giữa phụ huynh và học sinh còn nhiều khoảng cách. Cô giáo trẻ nảy sinh ý tưởng làm cầu nối cho phụ huynh và các học trò của mình.

Những giờ văn của cô Quỳnh Anh đã trở nên nhẹ nhàng, được học sinh hào hứng đón nhận vì HS được chia sẻ cảm xúc, học văn bằng cảm xúc. 

Nguồn: Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục