Theo bảng xếp hạng Chỉ số thông thạo Anh ngữ của 88 quốc gia trên thế giới do Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First) thực hiện vừa công bố tại TP Hà Nội, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 7 ở châu Á. Theo đó, so với năm đầu tiên tham gia đánh giá (2011) thì những năm gần đây, Việt Nam liên tục vượt hạng về chỉ số thông thạo Anh ngữ (EPI).
Chưa phổ cập ở tất cả vùng miền
Đánh giá cao tính nghiêm túc của nghiên cứu nhưng nhiều chuyên gia về ngoại ngữ khẳng định kết quả mà Tổ chức Giáo dục quốc tế EF công bố là vội vàng, không thực chất. Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, cho rằng không thể phủ nhận trình độ tiếng Anh của giới trẻ hiện nay tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, phải phân tích rõ nguyên nhân do đâu, để từ đó có chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả đào tạo.
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nguyên giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Sài Gòn, điều dễ nhận thấy là trình độ tiếng Anh hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa các tỉnh, thành. Nếu nói trình độ tiếng Anh phát triển thì nó chỉ diễn ra ở các TP lớn, có nhiều khả năng tiếp cận với việc học ngoại ngữ. Còn rõ ràng, tiếng Anh vẫn chưa phổ cập được ở tất cả vùng miền.
Một giờ học tiếng Anh của học sinh TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
"Có một nguyên tắc là nơi nào có cầu mới có cung. Hiện nay, bao nhiêu trường sư phạm có mã ngành đào tạo giáo viên chuyên về tiếng Anh, hay chỉ là học mấy tiết tiếng Anh trong chương trình khung theo quy định? Hơn nữa, kết quả bảng xếp hạng mà EF công bố không đại diện cho tất cả mẫu. Chỉ là một thao tác trên mạng, ai vào làm bài test thì vào nên kết quả dĩ nhiên không đại diện cho tất cả. Ngay cả TP lớn, cũng không hẳn tất cả học sinh (HS) đều được tiếp cận tiếng Anh. Bên cạnh đó, những em giỏi tiếng Anh có thật sự chỉ nhờ kết quả học tại trường hay còn học thêm ngoài trung tâm?" - cô Thụy Anh đặt vấn đề.
Hiệu trưởng một trường tiểu học nhìn nhận đề án ngoại ngữ 2020, mang tiếng là đề án phổ cập tiếng Anh nhưng cho đến nay, bao nhiêu tỉnh, thành phổ cập được HS học tiếng Anh từ lớp 3. "Đó là còn chưa nói số tiết tiếng Anh theo đề án này hiện nay là 4 tiết/tuần, thời lượng quá ít, ngưỡng đầu vào dưới chuẩn thì việc lạc quan vào một bảng xếp hạng là vội vàng" - vị này nhận xét.
Đầu tư nhiều, hiệu quả vẫn thấp
Theo nhiều chuyên gia về giáo dục, tiếng Anh là môn học luôn được đầu tư nhiều cả về vật chất, phương tiện dạy học, đội ngũ giáo viên. Thế nhưng, vì sao phổ điểm môn thi tiếng Anh luôn ở mức thấp dù chi phí cho việc dạy học môn này ở các bậc học luôn được đầu tư nhiều nhất? Đặc biệt, TP HCM là địa phương được đánh giá cao về trình độ tiếng Anh, mức độ đầu tư trang thiết bị và trình độ giáo viên nhưng kết quả tại các kỳ thi cũng không khả quan.
Thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng có một thực tế là dù đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường nhưng phần lớn những phương tiện này còn nặng về trình diễn, không có tính ứng dụng và xuyên suốt.
Việc dạy và học máy móc khiến tâm lý HS chới với mỗi khi đề thi có thay đổi hoặc dù chỉ biến đổi đi một chút do thiếu kỹ năng làm bài, làm một cách máy móc chứ không thật hiểu và không biết ứng dụng. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, đề thi chủ yếu rơi vào 2 phần ngữ pháp và đọc hiểu, phần đọc hiểu chiếm 20/50 câu hỏi của đề thi, nghĩa là đến 40% tổng điểm nhưng thí sinh lại mất điểm phần lớn ở phần này mà phần đọc hiểu cần nhất là kỹ năng làm bài. Cũng theo thầy Huân, để việc học tiếng Anh hiệu quả, HS cần 3 yếu tố là vốn từ vựng, kỹ năng đọc hiểu và kiến thức nền. Thiếu bất cứ yếu tố nào trong này đều dẫn tới những kết quả không tốt.
Học tiếng Anh để đối phó
Theo ông Cao Huy Thảo, chính chương trình, thi cử hiện nay đã khiến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường giảm hiệu quả. Người học tiếng Anh còn mang tính đối phó, xem bằng cấp như một tiêu chuẩn, điều kiện để bổ túc hồ sơ thi tuyển, xin việc, bổ nhiệm… Những người thực sự cần tiếng Anh để làm việc không thể dựa vào chương trình đào tạo chính khóa trong nhà trường mà phải bỏ thêm tiền bạc, thời gian để vào các trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài học nâng cao.