Có 92% học sinh (HS) khi được hỏi đều trả lời mong thầy cô cười nhiều hơn, hơn 66% HS cho rằng cần bớt bài tập về nhà nếu có thể… Đó là kết quả khảo sát của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, vừa được công bố tại tọa đàm "Hành động vì hạnh phúc HS".
Quá áp lực do mong muốn của người lớn
Kết quả khảo sát không chỉ gây nhói lòng cho những người quan tâm mà còn đặt ra nhiều vấn đề khiến cho cả giáo viên và những quản lý cần phải suy nghĩ, làm gì để HS cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, bấy lâu nay HS có thật sự hạnh phúc?
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, ngoài câu trả lời như trên, kết quả khảo sát trên 181 HS THCS còn cho ra những con số khiến người lớn phải suy ngẫm. Trong đó, 84% HS mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm sai; 82% mong thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn hay nhiều người, có 82% HS mong được tổ chức học tập xen kẽ chơi, trao đổi, thảo luận; 75% HS mong đừng cho học thuộc lòng nhiều quá; 74% HS mong thầy cô đừng nhắc nhiều lần "môn học này là rất quan trọng"; 70% cho rằng thưởng điểm hay khen tặng, động viên nhiều hơn trách phạt; 62% cho rằng tăng cường tính thực tế, khám phá thực tiễn, dã ngoại. Đặc biệt, 60% mong chấp nhận những suy nghĩ, hành vi chưa giống như người khác mong đợi… Bắt HS học thuộc lòng nhiều quá dẫn đến trường hợp có em thường xuyên giơ tay xung phong trả bài mặc dù không thuộc bài. Lý do là em này biết cô thường chọn những bạn không giơ tay để dò bài nên liều giơ tay để thoát thân. "Rõ ràng, chúng ta đang gây áp lực và tạo cho các em những hành vi xấu thay vì đem đến các hành vi tích cực" - ông Sơn nhìn nhận.
Học sinh mong muốn thầy cô giảm áp lực bài vở để vui hơn khi đến trường Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều ý kiến tại tọa đàm thẳng thắn cho rằng HS ngày nay chịu quá nhiều áp lực từ người lớn. Ngay cả những nhà quản lý giáo dục cũng nhớ lại và thừa nhận giờ trả bài đầu giờ ở mỗi tiết học thực sự là thời khắc căng thẳng nhất trong cuộc đời HS. Vì vậy cần đổi mới mạnh mẽ cách kiểm tra, đánh giá nhằm giảm áp lực cho người học. Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Cần Thơ, nhận định áp lực kiểm tra đánh giá hiện nay quá lớn. Việc kiểm tra đánh giá chỉ dựa theo nhu cầu, mong muốn của người lớn chứ chưa xác định nhu cầu của trẻ. Mong muốn của người lớn lại quá nhiều, bám vào điểm cao, đoạt giải thưởng, thành tích…
Dạy để học sinh vui hay để báo cáo?
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết muốn hiểu HS, không cách nào khác tốt nhất là đặt mình vào vị trí của các em. Theo ông Phú, có các nguyên nhân khiến HS không thấy hạnh phúc: năng lực người thầy còn yếu; không yêu nghề; thiếu tâm và thiếu tình; thiếu tôn trọng HS yếu tin học, ngoại ngữ; ít cập nhật thông tin thời cuộc trong và ngoài nước. "Những hoạt động tạo niềm vui, hạnh phúc cho HS các trường cần làm thật, làm cụ thể chứ không phải để báo cáo. Tại trường, việc đối thoại với HS, lắng nghe tâm tư, tình cảm của các em được thực hiện thông qua các buổi gặp trực tiếp, đặc biệt không có hình thức soạn sẵn câu hỏi lấy ý kiến các em" - ông Phú nói.
Giáo viên là người có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, tâm lý của học trò khi đến trường. Nhưng trong thực tế, theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, áp lực đối với giáo viên hiện nay rất lớn, từ lãnh đạo nhà trường, gia đình, công việc, phụ huynh, xã hội… Những căng thẳng, áp lực đó rất dễ bị truyền sang học trò, khiến các em cũng thấy căng thẳng, đến trường mà thiếu đi niềm hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần trang bị thêm kiến thức về tâm lý giúp giáo viên ứng xử tích cực, tăng tâm huyết người thầy…
Cần coi trọng khâu tuyển dụng
Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết khâu tuyển dụng đầu vào giáo viên là vô cùng quan trọng, nếu tuyển sai là làm hỏng một thế hệ học trò. Theo bà Thắm, việc tuyển dụng giáo viên tại địa phương hiện nay chú ý vào các câu hỏi tình huống, giảm thang điểm kiến thức để tuyển dụng. Đợt tuyển gần đây nhất theo hướng như trên, sau đó lấy phản hồi từ các hiệu trưởng thì đúng là thấy giáo viên tốt hơn. "Có những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhưng khi cho thử một tiết dạy thì dạy không hấp dẫn, tương tác với HS kém. Trong mỗi nhà trường, có muôn vàn tình huống xảy ra, người thầy cần xử lý khéo" - bà Thắm nói.