Chương trình phổ thông mới: Chưa hẳn đã giảm tải!

Thứ sáu, 28 Tháng 12 2018 08:59 (GMT+7)
Chương trình phổ thông mới sẽ triển khai từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo nhận định chương trình dù chú trọng phát triển toàn diện nhưng còn nặng nề

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Thành - bại là ở giáo viên, cơ sở vật chất

Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình mới đã giảm tải nhiều so với chương trình hiện hành. Cụ thể là giảm số môn học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới cũng như đổi mới kiểm tra đánh giá. Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Theo lộ trình áp dụng chương trình mới, năm học 2020-2021 sẽ triển khai đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Liên quan đến 2 vấn đề cốt lõi bảo đảm sự thành bại của chương trình phổ thông mới là giáo viên và cơ sở vật chất, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), cho biết từ khi có Nghị quyết 29, bộ đã tổ chức những khóa bồi dưỡng giáo viên, tổ chức đào tạo giáo viên cốt cán. Ông Minh cũng cho hay với những nơi khó khăn, việc đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin.

"Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021. Còn đào tạo, bồi dưỡng qua mạng thì không phải đến bây giờ mới làm mà bộ đã tổ chức trước đó. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng cùng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới" - cục trưởng Cục Nhà giáo nói.

Ông cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên và giao cho các đơn vị về việc tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình. Ông Minh khẳng định đội ngũ giáo viên thì không thiếu, chương trình cũ và mới số giáo viên cần không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.

Liên quan đến cơ sở vật chất, đại diện Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết cơ sở vật chất ở bậc THCS và THPT tương đối yên tâm, ở bậc tiểu học thì khó khăn hơn một chút. "Nhưng bộ đã xác định từ năm 2014 đã tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của trường, trong đó hỗ trợ nâng cao chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Ví dụ, tại đợt đánh giá thực trạng năm 2014, tỉ lệ kiên cố hóa cả nước là hơn 70% thì nay hơn 80%. Năm 2020-2021, lớp 1 có đủ phòng học để học 2 buổi/ngày…

Trước những lo lắng về việc học sinh không được học chương trình mới ngay từ đầu thì có "bắt" được vào không, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình, cho rằng về cơ bản, giáo dục phổ thông là dạy kiến thức kỹ năng cơ bản. Chương trình mới chỉ thay đổi, sàng lọc kiến thức thiết thực, đổi mới cách tổ chức dạy học để phát huy năng lực của học sinh. Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo địa phương và cơ sở giáo dục đổi mới cách dạy học, xây dựng chuyên đề tích hợp theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.

Chương trình phổ thông mới: Chưa hẳn đã giảm tải! - Ảnh 1.

GS Nguyễn Minh Thuyết (đứng), tổng chủ biên chương trình, khẳng định chương trình mới đã giảm tải nhiều. Ảnh: YẾN ANH

Giảm giờ học không đồng nghĩa giảm áp lực

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, nhà giáo, chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT chính thức công bố chiều 27-12 không khác so với dự thảo mà bộ công bố và lấy ý kiến trước đó. Dù Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình đã được giảm tải nhưng nhiều nhà giáo vẫn rất lo lắng.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), cho biết chương trình lần này có ưu điểm là cách tiếp cận của đội ngũ viết chương trình đã khác, giống với các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đó là xây dựng chuẩn đầu ra cho người học, từ chuẩn đầu ra quay lại để xây dựng chương trình sao cho phù hợp. Không giống như chương trình cũ là xây dựng chương trình trước. Cũng theo ông Hiếu, chương trình mà bộ công bố đã chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM cho học sinh.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), cho biết ông không cảm thấy hào hứng với chương trình giáo dục phổ thông chính thức mà Bộ GD-ĐT công bố, lý do là chương trình không thay đổi so với dự thảo chương trình trước đó. "Nhìn qua ở bậc THPT thì đúng là chương trình mới có giảm giờ học so với chương trình cũ nhưng giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh" - ông Phú cho biết.

Theo ông Phú phân tích, lâu nay chúng ta nhận thấy rõ là chương trình cũ đã quá tải, áp lực với cả học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nếu chỉ giảm tiết học thì không phải là giảm áp lực, muốn hết áp lực phải đi kèm với đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, thi cử. Điều cả giáo viên và học sinh mong mỏi là học thế nào thì thi thế ấy để tránh tình trạng học thêm, dạy thêm.

"Đơn cử, trong chương trình khung mới, với môn hóa học, ngay chương nguyên tử ở lớp 10 đã bê nguyên chương trình hóa học đại cương ở bậc ĐH. Không những nặng nề hơn so với chương trình cũ mà còn quá hàn lâm, chưa kể học sinh học nguyên tử xong thì ứng dụng gì vào cuộc sống? Chúng tôi cũng không thấy hơi thở của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong chương trình lần này" - ông Phú nói.

Theo ông Phú, chương trình phổ thông mới đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào vấn đề làm sao giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh mà quên mất giáo dục cá thể. Ngoài ra, vấn đề đào tạo của các trường sư phạm thế nào cũng chưa được đề cập.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết nhìn vào chương trình khung thì thấy môn văn có nhiều thay đổi đáng kể, đó là đã bớt đi phần phân tích văn học và đưa văn học ứng dụng, nghĩa là mang hơi thở cuộc sống vào môn văn, chú trọng đến cuộc sống của học sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần có lộ trình tập huấn giáo viên để đáp ứng việc giảng dạy theo chương trình mới. 

Môn học và thời lượng

Nội dung giáo dục ở cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: tiếng Việt; toán; đạo đức; ngoại ngữ 1 (lớp 3, lớp 4, lớp 5); tự nhiên và xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); lịch sử và địa lý (lớp 4, lớp 5); khoa học (lớp 4, lớp 5); tin học và công nghệ (lớp 3, lớp 4, lớp 5); giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục công dân; lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương và 2 môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương; 2 môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2; 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Nguồn: YẾN ANH - ĐẶNG TRINH - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục