Học Luật - Cần gì và được gì?

Thứ bảy, 02 Tháng 3 2019 15:33 (GMT+7)
Câu hỏi tuy đơn giản nhưng đã bao quát toàn bộ nội dung cần làm rõ trước khi thí sinh quyết định học Luật và gắn bó cả cuộc đời với một nghề đang trở thành xu hướng lựa chọn của giới trẻ và nhu cầu nhân lực đang tăng mạnh trong thời gian qua.

Những chia sẻ dưới đây của những người "trong cuộc" là những giảng viên, sinh viên Đại học (ĐH) Duy Tân sẽ cho chúng ta các câu trả lời cần thiết, góp phần định hướng, chia sẻ kinh nghiệm cho các "sĩ tử" đang băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn học ngành Luật.

"Cử nhân Luật luôn được xã hội trọng dụng..."

Đó chính là mục tiêu hàng đầu mà TS. Nguyễn Thị Thuận - Trưởng Khoa Luật ĐH Duy Tân cùng toàn thể đội ngũ giảng viên tại Khoa Luật nhà trường hướng tới ngay từ những ngày đầu thành lập Khoa.

Học Luật - Cần gì và được gì? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Thị Thuận chia sẻ về tâm huyết trong đào tạo ngành Luật tại Lễ Ra mắt Khoa Luật

"Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ nay đến năm 2020, ước tính chỉ riêng các chức danh liên quan đến Tư pháp, Việt Nam sẽ cần khoảng 13.000 nhân sự, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên,… và những con số này vẫn tiếp tục tăng trong giai đoạn tới nhằm giải quyết các khúc mắc, tranh chấp,… trong hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người dân. ‘Cầu’ là rất lớn nhưng không có nghĩa chúng ta buông thả việc đào tạo bởi nhu cầu nhân lực ngành Luật tăng lên một phần nào phản ánh các sự vụ tranh chấp, kiện tụng,… trong xã hội diễn ra ngày càng nhiều hơn với mức độ phức tạp khác nhau. Bởi vậy, mỗi giảng viên ngành Luật của ĐH Duy Tân đều rất trăn trở trong việc đào tạo ra những cử nhân luật lành nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội," TS. Nguyễn Thị Thuận chia sẻ.

Để cung cấp cho xã hội những cử nhân luật lành nghề và được xã hội trọng dụng, các trường đại học phải chủ động trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên giỏi đồng thời đưa ra các phương pháp đào tạo phù hợp nhằm giúp sinh viên tiếp cận được những kiến thức tiên tiến để việc học đạt hiệu quả cao nhất. Tại ĐH Duy Tân, đội ngũ cán bộ giảng viên thuộc Khoa Luật đủ đảm bảo để đáp ứng công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu với 2 Phó Giáo sư, 2 Tiến sĩ và 5 Thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường có uy tín trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Nhà trường còn hợp tác với các trường đại học hàng đầu Việt Nam đào tạo ngành Luật như: ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TP HCM, ĐH Kinh tế - Luật TP HCM,… để mời các giảng viên có kinh nghiệm lâu năm đến thỉnh giảng cho sinh viên, khi cần.

Sinh viên học Luật của ĐH Duy Tân cũng được tiếp cận với phương pháp học tập rất tiến bộ. Đó là việc áp dụng phương pháp PBL (Problem - Based Learning/Project-Based Learning - Học theo Vấn đề/Học theo Dự án) - một hướng đào tạo tiên tiến được áp dụng ở nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới vào các ngành Luật học, Luật Kinh tế và Khoa học Xã hội để nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên. Không dừng lại ở đó, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, nhiều chuyến giao lưu với các tổ chức dịch vụ pháp luật,… để sinh viên nắm bắt được các công việc thực thụ của một luật sư, làm quen và tạo phản xạ để xử lý tình huống trong các phiên tòa giả lập khác nhau giúp sinh viên hiểu rõ nghề luật ngay từ khi còn học trên giảng đường.

Thực tế chính là 'người thầy' nghiêm khắc nhất

"Học Luật sẽ vô cùng nhàm chán nếu bạn chỉ giam mình trong vòng quay của những văn bản luật, những cuốn giáo trình dày cộp với vô vàn các lý thuyết mang tính học thuật. Một người học Luật xuất sắc phải là người hiểu biết về kiến thức pháp luật và phải biết vận dụng những kiến thức đó vào thực tế các tình huống," ThS. Nguyễn Văn Phụng - Luật sư và cũng là Giảng viên Khoa Luật ĐH Duy Tân chia sẻ.

Học Luật - Cần gì và được gì? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Phụng giảng dạy tại ĐH Duy Tân

"Không học chay" là phương châm hoạt động đối với tất cả các ngành nghề đào tạo của ĐH Duy Tân. Bởi thế, sinh viên học Luật tại trường đã được thừa hưởng thành quả từ quá trình hợp tác doanh nghiệp trong rất nhiều năm qua của ĐH Duy Tân. Riêng đối với ngành Luật, các giảng viên đã kết nối với các cơ quan như Viện Kiểm sát, Tòa An Nhân Dân các cấp, Văn phòng Công chứng, Công ty Tư vấn Luật... để sinh viên đi kiến tập, học việc ngay từ năm 2, năm 3. Tại đây, sinh viên sẽ có cơ hội quan sát, tiếp cận các hồ sơ, tình huống thực tế để rèn nghề. Tinh thần làm việc và kiến thức chuyên môn sẽ được tích lũy rất tốt qua những buổi học thực tế như vậy.

Theo TS. Nguyễn Thị Thuận, trong năm 2019, Khoa Luật sẽ thành lập Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Pháp lý nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong việc tư vấn các vấn đề pháp lý, đồng thời tạo môi trường cho sinh viên cọ sát thực tế. Đặc biệt theo đề nghị của Tòa án Nhân dân Tp. Đà Nẵng, ĐH Duy Tân sẽ tạo điều kiện để có thể đưa những phiên tòa thật sự tới xét xử trực tiếp tại hệ thống phòng hội nghị của trường trong thời gian sớm nhất có thể. Việc dự khán tại các phiên tòa thật sự sẽ rất có ích đối với việc định hướng nghề nghiệp cho các em sau này.

Học Luật vì đam mê

Là một trong những sinh viên có thành tích học tập xếp loại xuất sắc, Huỳnh Bá Tân - sinh viên K21 ngành Luật Kinh tế, ĐH Duy Tân cho biết em lựa chọn ngành Luật là bởi đã yêu thích nó từ khi còn nhỏ.

"Lúc xem mấy bộ phim có cảnh xét xử, thấy các vị luật sư đọc rành mạch từng mục từng khoản, em chợt nghĩ những người học Luật phải có bộ óc siêu phàm và phải là ‘con mọt sách’ mới có thể nhớ hết các điều luật. Và khi tham gia vào những bài học đầu tiên tại ĐH Duy Tân, em đã hiểu không phải cứ học thuộc lòng nghĩa là có thể áp dụng làm nghề. Học Luật là phải tư duy, phải hiểu và phân tích được vấn đề, có như vậy việc áp dụng luật mới đạt hiệu quả," Bá Tân cho biết.

Học Luật - Cần gì và được gì? - Ảnh 3.

Sinh viên Huỳnh Bá Tân (áo trắng) say mê với mỗi buổi học trên giảng đường

Hiện tại, Bá Tân đang là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật gia Trẻ tại Khoa Luật, ĐH Duy Tân. Từ kiến thức thu nhận trên giảng đường và kinh nghiệm trau đồi trong quá trình kiến tập tại các các cơ quan, Bá Tân đã được một Văn phòng Công chứng nhận làm việc trả lương khi mới còn là sinh viên năm 2.

"Câu lạc bộ Luật gia trẻ có thể nói là một trong những hoạt động ngoại khóa rất hữu ích đối với sinh viên Luật chúng em. Không chỉ là nơi giúp sinh viên có thể giao lưu và học hỏi các kiến thức học thuật mà Câu lạc bộ còn rất tích cực tổ chức các ‘Phiên tòa giả định’ để chúng em có thể hình dung một cách rõ nét nhất về cách thức áp dụng Luật trong các tình huống thực tế. Ngoài ra, những buổi hội thảo, tọa đàm mà Nhà trường và Khoa tổ chức trong thời gian qua là cơ hội rất tốt để chúng em được giao lưu với các chuyên gia đầu ngành nhằm tìm hiểu rõ nét hơn về ngành học cũng như nhu cầu nhân sự ngành Luật trong thời gian tới." - Tân chia sẻ.

Mùa tuyển sinh 2019, Đại học Duy Tân tiếp tục đưa ra nhiều suất học bổng ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên ngành Luật, cụ thể:

• Học bổng Tài năng (toàn phần/bán phần): 215 suất học bổng có tổng trị giá hơn 11 tỉ đồng cho những thí sinh trúng tuyển vào ngành tài năng, trong đó có những thí sinh đăng ký theo học ngành Luật Kinh tế có tổng điểm xét tuyển 3 môn từ Kỳ thi THPT quốc gia >=20.

• Học bổng Duy Tân: 720 suất học bổng với trị giá từ 1.000.000 - 5.000.000 VNĐ/suất cho những thí sinh đăng ký có tổng điểm xét tuyển 3 môn từ Kỳ thi THPT quốc gia >= Điểm trúng tuyển từ 3 đến 10 điểm, trong đó có thí sinh theo học ngành Luật.

• 700 suất học bổng trị giá từ 500.000 - 2.000.000 VNĐ/suất cho những thí sinh có tổng điểm xét tuyển Học bạ THPT từ 22 điểm trở lên, trong đó có thí sinh theo học ngành Điều dưỡng Đa khoa.

• Học bổng trị giá 5.000.000 đồng/suất cho năm học đầu tiên dành cho các thí sinh đoạt giải Khuyến khích trong Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp Quốc gia đăng ký theo học ngành Luật tại ĐH Duy Tân.

Học Luật - Cần gì và được gì? - Ảnh 4.
 

Tâm Thông - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục