Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hòa Bình, đơn vị này đã tiếp nhận danh sách thí sinh được cơ quan điều tra xác định là liên quan gian lận điểm thi.
Bà Đinh Thị Hường - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình - trả lời Tiền Phongrằng sẽ cập nhật lên phần mềm và thông tin đến cá nhân các thí sinh có liên quan và các trường ĐH, CĐ. Làm sao để thông tin đó đến đúng người cần. Tuy nhiên, danh sách thí sinh cụ thể được giữ kín.
“Vì tuổi của các thí sinh 17, 18, đang ở tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột. Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”, bà Hường giải thích.
Không xử nghiêm mới là tổn thương thí sinh
Trước cách làm của Sở GD&ĐT Hòa Bình, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cho rằng việc cân nhắc cẩn thận chuyện công khai danh sách 64 thí sinh là hợp lý.
Theo ông, đứng ở góc độ nào, việc công khai đều có cái lợi và không lợi. Nếu vụ việc này hoàn toàn do phụ huynh cấu kết với cán bộ, các em không có lỗi, việc công khai sẽ ảnh hưởng các em.
Tuy nhiên, ông Vinh thừa nhận không có điều gì có thể chứng minh các em không biết điểm bị can thiệp, đặc biệt trong trường hợp điểm được nâng quá cao, thậm chí lên đến 26,45 cho ba môn thi.
Ông khẳng định những trường hợp như vậy, thí sinh chắc chắn biết chuyện điểm thi bị can thiệp và dứt khoát cần làm rõ.
“Nếu các em là đồng lõa, công khai là chuyện bình thường, cần công khai thí sinh học trường nào, nâng bao nhiêu điểm. Các em 18 tuổi, đủ tuổi để chịu trách nhiệm dân sự”, ông Vinh nhấn mạnh, đồng thời đề nghị có thể giấu tên thí sinh.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, đặt câu hỏi tại sao Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình lại lo sợ tổn thương các em nếu công khai danh sách.
Ông cho rằng đây là vụ tiêu cực, đã xử lý thì liên lụy đến ai, người đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều em vốn không đủ điểm trúng tuyển. Nhờ được sửa điểm, các em mới vào trường, chiếm vị trí của người khác. Những em bị trượt do điểm thi của người khác được nâng mới là người chịu thiệt thòi.
“Giờ sao lại nói chuyện tổn thương hay không. Sở phải công khai những ai được sửa điểm, đang học trường nào”, nguyên thứ trưởng nói.
Ông nói thêm để việc xử lý nhân văn, trường đại học sẽ xem xét thêm quá trình các em học tập. Với những em tích cực tham gia hoạt động xã hội, học tập tốt, chứng tỏ các em là người biết phấn đấu, mức xử lý có thể giảm nhẹ.
Ông tin chắc xã hội sẽ không hẹp hòi với những bạn trẻ có ý chí, ý thức vươn lên. Minh bạch trong xử lý có lợi cho việc răn đe người khác và chính bản thân người được sửa điểm.
“Nếu không công khai, xử lý nghiêm, để những em được nâng điểm, không có năng lực, tiếp tục học ở trường, không chịu phấn đấu, đó mới là tổn thương thực sự, âm thầm nhưng rất có hại”, ông Nhĩ nêu quan điểm.
Cần làm có con quan chức không và công khai việc xử lý
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh không chỉ công khai thí sinh học trường nào, được nâng bao nhiêu điểm, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý vụ gian lận tuyển sinh ở Hòa Bình cần làm rõ những người được can thiệp điểm là con ai, có bao nhiêu con quan chức dính líu bê bối này.
Người trực tiếp sửa điểm cho thí sinh cần nêu rõ ai là người tác động. Phụ huynh đưa bao tiền để nâng điểm cho con, có ai là quan chức không. Những người này cũng cần bị xử lý bởi tham nhũng, đưa hối lộ đều là hành vi trái pháp luật.
Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần công khai trong số 64 thí sinh được can thiệp điểm, có ai là “con ông cháu cha”, đặc biệt con quan chức, không. Các quan chức cần gương mẫu, trước hết, phải trung thực, thực hiện đúng pháp luật. Quan chức tiếp tay cho gian lận thi cử cần bị xử lý dứt khoát, không được lợi dụng chức quyền để che giấu, bao che cho nhau.
Việc lợi dụng chức quyền để sai lệch điểm thi là tham nhũng. Việc quan chức trực tiếp đề nghị nâng điểm hay cấp dưới chủ động nâng điểm để nịnh bợ sẽ do công ai điều tra rõ ràng và tòa án xem xét, kết luận.
Ông Vinh cũng cho rằng với những người dính líu vụ việc, tùy mức độ tham gia mà xem xét, xử lý kỷ luật. Quan trọng, quá trình xử lý phải công khai, minh bạch để thông tin đến xã hội, để những người chưa “nhúng chàm” tránh hành vi tương tự.
“Chúng ta cần làm nghiêm để răn đe và tạo ý thức tôn trọng pháp luật, sự công bằng. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên khẩn trương xử lý vụ Hà Giang, Sơn La. Dù là con quan chức hay ai, cần mang ra ánh sáng càng sớm càng tốt, tránh để dân mất niềm tin vào giáo dục”, TS Vinh nhấn mạnh.
Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018, nghi vấn nổi lên khi nhiều thí sinh Hòa Bình có điểm cao bất thường. Công an vào cuộc điều tra, xác nhận có sự can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh Hòa Bình để làm tăng điểm số đồng thời khởi tố vụ án gian lận điểm thi. Đến tháng 3, công an kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT xảy ra tại Hòa Bình, 140 bài thi của 56 thí sinh có dấu hiệu sửa chữa. Các bài thi trên được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm. Đáng chú ý, một thí sinh được nâng đến 26,45 điểm/3 môn. Công an đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 3 người liên quan về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục). |
Nguyễn Sương - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)