Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết thí sinh V.H.L (quê Sơn La) trúng tuyển vào trường với số điểm 28,4 nhưng sau khi chấm thẩm định chỉ còn... 13 điểm!
Nâng hơn 15 điểm để đỗ ngành y
Cụ thể, điểm thi môn toán của thí sinh này là 9,4, hóa học 9,5 và sinh học 9,5. Theo kết quả chấm thẩm định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, điểm lần lượt của thí sinh này là toán 5,6, hóa 3,4 và sinh chỉ 4 - tổng điểm 3 môn là 13.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, nhà trường đã có công văn gửi Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La để lấy danh sách các thí sinh được nâng điểm. Thế nhưng, đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được công văn trả lời của Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La nên chưa thể xử lý thí sinh.
Cơ quan điều tra làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình vào tháng 7-2018 Ảnh: HUY THANH
V.H.L là học sinh Trường THPT Tô Hiệu (tỉnh Sơn La). Đây là trường có phó hiệu trưởng Đặng Hữu Thủy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố ngày 31-7-2018 do liên quan đến vụ án sửa điểm thi tại hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh này.
Ngoài ra, 2 thí sinh ở tỉnh Hòa Bình cũng trúng tuyển vào ngành y đa khoa của trường nằm trong danh sách bị hạ điểm sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định. Theo ông Tú, một trường hợp có điểm thực không đủ điều kiện trúng tuyển vào trường, một trường hợp tuy bị hạ 2 điểm của môn xét tốt nghiệp nhưng điểm trúng tuyển trong tổ hợp xét tuyển trùng khớp với điểm chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT. Với trường hợp này, nhà trường đang chờ công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình thông báo thí sinh có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không thì trường mới có biện pháp xử lý.
Vẫn chờ hướng dẫn, phản hồi
Ông Nguyễn Hữu Tú nói thêm với những trường hợp thí sinh không đủ điểm đỗ, nhà trường sẽ xử lý theo đúng quy chế tuyển sinh là buộc thôi học. Tuy nhiên, với trường hợp thí sinh sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển thì trường vẫn chờ xác nhận của Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.
Trên thực tế, trong tuyển sinh, nhà trường chỉ căn cứ vào tổ hợp xét tuyển khối để xét tuyển, còn các môn để xét tốt nghiệp THPT thì thuộc thẩm quyền của các sở GD-ĐT. Với quy định này, nếu thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, nhà trường vẫn cho tiếp tục học vì không có căn cứ để buộc thôi học. "Nếu cơ quan chức năng kết luận chắc chắn là thí sinh nào gian lận điểm thi thì khi đó mới đủ căn cứ để hủy bỏ" - ông Tú cho biết.
Trường ĐH Y Hà Nội vẫn đang chờ công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng như phản hồi từ các sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La để đưa ra quyết định xử lý với những thí sinh trong danh sách gian lận. Theo lãnh đạo nhà trường, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này.
Theo PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đến thời điểm này, cơ quan điều tra chưa cho biết trong số những thí sinh có bài thi được nâng điểm, trường hợp nào liên quan đến vi phạm pháp luật, trường hợp nào không. Với thực trạng như vậy, trả về điểm gốc cho thí sinh là cách xử lý phù hợp, đúng quy chế. Thời gian tới, nếu có trường hợp thí sinh nào mà cơ quan công an điều tra kết luận liên quan đến vi phạm pháp luật trong vụ gian lận thi cử vừa qua thì đương nhiên các em sẽ tiếp tục bị xem xét xử lý nghiêm.
Phải công khai danh tính người chạy điểm, mua điểm!
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng cần phải công khai danh tính những người chạy điểm, mua điểm. "Không ai tự nhiên nâng điểm cho những người xa lạ. Phải có người chạy điểm mới có người can thiệp, sửa điểm" - TS Lâm nhận xét.
Ông Lâm cho rằng không thể nói các phụ huynh có con được nâng điểm là vô can. Dù "chạy điểm" cho con bằng bất kỳ cách thức nào: tiền, chức vụ, quyền hạn hay mối quan hệ…, họ cũng đều phải chịu trách nhiệm.
Một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội cho rằng muốn xử lý tận cùng vấn đề, không thể không công khai danh tính phụ huynh. "Vụ việc đã trở thành điểm nóng của toàn xã hội chứ đâu phải của riêng địa phương nào. Không công bố sẽ không đủ sức răn đe và rất có thể các vi phạm này sẽ tiếp tục tái diễn trong các kỳ thi tới" - chuyên gia này lo ngại.
Lộ dần danh tính phụ huynh của thí sinh được nâng điểm
Trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm của Sơn La, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này. Trong số này có con của các vị: phó giám đốc sở GD-ĐT, chánh thanh tra sở, trưởng phòng giáo dục trung học, chuyên viên sở GD-ĐT, hiệu trưởng, giáo viên một số trường THPT trên địa bàn. Mức điểm được sửa của các thí sinh thấp nhất là 3, cao nhất lên tới 17,75 điểm.
Thí sinh N.L.B.N, cựu học sinh Trường THPT chuyên Sơn La, có bố là phó chủ tịch một huyện của tỉnh. Trả lời báo chí, phụ huynh thí sinh này cho biết gia đình không tác động gì vào điểm số của con (?).
Bị can Đinh Hải Sơn - cựu thiếu tá công tác tại Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La, người vừa bị khởi tố do liên quan tới vụ án gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 - đã nhờ các đối tượng trong đường dây nâng điểm bài thi cho 2 thí sinh, trong đó có một thí sinh là em vợ của Sơn.