Vá lỗ hổng quy chế để phạt nguội gian lận thi

Thứ ba, 23 Tháng 4 2019 08:42 (GMT+7)
Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp năm 2018 không hề lường hết các tình huống gian lận thi cử nên thiếu quy định xử lý thí sinh gian lận điểm ở khâu chấm thi

Một nghịch lý không thể tin nổi đã xảy ra khi các thí sinh (TS) vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, gian lận đến mức từ tổng 3 môn đạt 1 điểm được nâng thành 27,5 điểm mà vẫn tiếp tục được thi THPT năm tiếp theo.

Không thể buộc thôi học

Ông Bùi Đức Triệu - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội - cho biết ngày 22-4, Hội đồng Tuyển sinh của trường đã họp về việc xử lý 7 TS tỉnh Sơn La được điều chỉnh điểm và trúng tuyển vào trường.

Theo danh sách từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La gửi về, 5 TS có điểm chấm thẩm định thấp hơn so điểm chuẩn trúng tuyển nên bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển. Hai TS có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm công bố lần đầu song vẫn cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nên được học bình thường. Trước đó, trường này cũng buộc thôi học 2 TS đến từ tỉnh Hòa Bình có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. Ba trường hợp khác sau chấm thẩm định vẫn đủ điểm chuẩn nên được tiếp tục học.

Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y Hà Nội… cũng có một số TS liên quan đến gian lận điểm nhưng vẫn tiếp tục học do có điểm chấm thẩm định cao hơn điểm trúng tuyển. Trong tình huống này, các trường không có quy định, căn cứ nào để buộc sinh viên thôi học nên phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay các trường ĐH khối công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các TS được nâng điểm. Tuy nhiên, 12 TS có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường vẫn để các em tiếp tục theo học.

Câu hỏi được đặt ra là có nên hủy kết quả thi, buộc thôi học đối với tất cả TS được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 hay không? Nếu TS được nâng điểm vẫn theo học thì liệu có công bằng?

Câu hỏi này rất khó trả lời. Bởi trong 54 điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp 2018, chỉ duy nhất điều 49 quy định chế tài xử lý TS vi phạm quy chế thi nhưng hoàn toàn không có bất kỳ mục nào quy định chế tài xử lý TS gian lận điểm thi khâu chấm thi. Tất cả các chế tài đều chỉ hướng đến xử lý TS vi phạm trực tiếp, tức là bắt được "quả tang" TS vi phạm, như quay cóp, mang điện thoại vào phòng thi, nhờ người bên ngoài đọc lời giải, nhờ người thi hộ… mà không có chế tài cho gian lận gián tiếp.

Vá lỗ hổng quy chế để phạt nguội gian lận thi - Ảnh 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La có nhiều cán bộ bị khởi tố liên quan đến gian lận điểm thi Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Tham vấn chuyên gia pháp luật

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, tính toán: Các bài thi trắc nghiệm có 40 câu, nếu chọn ngẫu nhiên câu trả lời thì trung bình cũng được 2,5 điểm. Vì vậy, việc TS được 0 hay 1 điểm như ở Sơn La, Hòa Bình là rất hiếm, trừ trường hợp TS chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi dễ dàng hơn. Như vậy có thể hiểu là trước khi thi, những TS này đã biết trước họ sẽ được nâng điểm.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng chỉ cần có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) thì đều phải bị xử lý như nhau. Một TS mang điện thoại vào phòng thi, dù điện thoại tắt và không dùng điện thoại để quay cóp nhưng nếu bị phát hiện vẫn bị lập biên bản đình chỉ thi. Tuy nhiên, những TS được nâng điểm vẫn có thể theo học bình thường ở các trường ĐH là lỗ hổng trong quy chế.

"Các sinh viên này cũng cần xử lý buộc thôi học như những TS gian lận có điểm thật thấp hơn điểm trúng tuyển vào ĐH vì họ đã vi phạm Quy chế thi THPT quốc gia, nâng điểm thi là bất hợp pháp" - ông Hoàng Ngọc Vinh nói.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ GD-ĐT đang rà soát, tham khảo ý kiến chuyên gia pháp luật để hoàn thiện các quy chế, quy định của ngành, đặc biệt là quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý được ngay đối với các loại vi phạm gián tiếp trong gian lận thi cử.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định năm nay, tất cả dữ liệu liên quan đến bài thi của TS từ ảnh quét bài thi cho đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa bằng các thuật toán mã hóa tiên tiến. Trong quá trình sửa lỗi kỹ thuật trên phiếu trả lời trắc nghiệm (lỗi do TS điền sai mã đề, điền sai số báo danh, lỗi nhận dạng đáp án... do phần mềm tự động phát hiện), người vận hành phần mềm chấm thi trắc nghiệm không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với phần bài làm của TS. Khi sửa lỗi nội dung liên quan đến thông tin cá nhân, không thể nhìn thấy phần nội dung trả lời và khi sửa lỗi phần nội dung trả lời thì không thể nhìn thấy phần thông tin cá nhân.

Thêm vào đó, mọi thao tác trên phần mềm đều được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới có thể mở để đọc mà không thể sửa được các thông tin này. Phần mềm có các chức năng để hỗ trợ cán bộ chấm thi trong việc dò tìm, phát hiện, sửa lỗi trong quá trình chấm thi để hạn chế đến mức thấp nhất các thao tác thủ công.

Xử lý tội hối lộ

Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng Bộ GD-ĐT cần có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với những người gián tiếp gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia. Chế tài này cũng nghiêm khắc như đối với các TS trực tiếp vi phạm quy chế khi tham gia thi.

Đối với những người đã nhờ vả, tác động để người có thẩm quyền sửa điểm thi, nếu cơ quan điều tra chứng minh được các phụ huynh đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác, họ có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ". Ngoài ra, cần phải công bố tên tuổi của những người tác động bằng vật chất, quyền lực, tình cảm... để người khác nâng điểm cho các TS. Việc tác động để người có thẩm quyền làm trái công vụ cũng là hành vi vi phạm pháp luật nên cung cấp thông tin về nhân thân của họ là việc làm không bị pháp luật nghiêm cấm.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy chế thi phải bổ sung quy định để theo kịp thực tế, tránh tình trạng "voi chui lỗ kim". Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề chưa hẳn ở bổ sung luật, mà là công tác cán bộ liên quan thi cử, giám sát kỳ thi và xét tuyển vào CĐ, ĐH đang có vấn đề.

Ng.Hưởng

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục