NÓI THẲNG: Đại án của ngành giáo dục, đừng lấp liếm cho qua chuyện!

Thứ tư, 24 Tháng 4 2019 09:39 (GMT+7)
Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương kéo dài đã 9 tháng mà vẫn chưa có hồi kết gây bất bình trong toàn xã hội.

Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chưa minh bạch về nguyên nhân, động cơ của việc gian lận và cách xử lý những cá nhân liên quan trực tiếp đến việc sửa nâng điểm thi.

Có tổng cộng 222 thí sinh ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang có bài thi được nâng khống điểm ở kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong số này, có những thí sinh được sửa từ tổng 3 môn 1 điểm lên tổng 3 môn hơn 27 điểm. Thủ khoa, á khoa nhiều trường cũng bị phanh phui là điểm thi đầu vào không hề đủ tiêu chuẩn vào trường, nghĩa là từ trượt đại học, thậm chí là trượt tốt nghiệp.

Cơ quan tố tụng đã khởi tố 16 người trong ngành giáo dục và công an ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Việc khởi tố này mới chỉ dừng lại ở những người trực tiếp sửa điểm, còn những người hưởng lợi từ sửa điểm, là thí sinh và phụ huynh, thì chưa được làm rõ.

Xã hội cảm thấy vụ gian lận điểm thi này đang được "bao che" khi một số nhân vật có chức sắc đề nghị phải xử lý "nhân văn" và vài quan chức của Bộ GD-ĐT còn cho rằng việc xử lý thí sinh vi phạm được quy định ở điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018 (!). Thế nhưng, tại điều 49 này không có mục nào quy định xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi và đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều lúng túng khiến các trường ĐH và Bộ GD-ĐT phải hỏi ý kiến nhau trước mỗi trường hợp vi phạm.

Cách giải thích đó không thuyết phục được công luận khi chính tại khoản d, mục 1, điều 48 (Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi) ghi rõ là: "Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi sai phạm như sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm". Tại mục 5, điều 49 (Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi) cũng quy định: "Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh để người khác thi thay hoặc sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài".

Do vậy, ngay từ đầu, việc xử lý "đưa điểm bài thi trở về điểm thật" thay vì hủy kết quả thi đã không đúng với tinh thần của quy chế thi THPT quốc gia 2018. Dư luận đã đặt câu hỏi phải chăng phải xử lý nửa vời như vậy vì liên quan đến con cháu ai đó có quyền thế? Thậm chí, những thí sinh khi bị xác nhận được nâng điểm một cách vô liêm sỉ cũng được dùng một cụm từ rất mỹ miều là "trả về địa phương" chứ không nói thẳng là "đuổi học". Nếu xem điểm thi là tài sản của thí sinh trong kỳ thi thì chỉ riêng việc sử dụng điểm thi được nâng khống cũng đã đủ yếu tố cấu thành cơ bản của tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thí sinh (và phụ huynh) về tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Vì thế, không thể chấp nhận lập luận bao che cho các thí sinh có điểm thi được nâng khống được tiếp tục học dù điểm xét tuyển dựa trên điểm thật đủ điểm chuẩn trúng tuyển.

Phải xem vụ việc gian lận thi cử 2018 là đại án của ngành giáo dục thì mới hy vọng công lý và chân lý vượt qua được thử thách. Dù rất bất bình nhưng dư luận vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ xem kết quả xử lý cuối cùng. 

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục