Tại hội thảo "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi" tổ chức ở Hà Nội mới đây, hiệu trưởng một trường tư lo lắng đến mức "dọa" nhảy cầu nếu không giữ được trường! Tại TP HCM, nhiều lãnh đạo trường tư cũng như "ngồi trên lửa" với những điểm sửa đổi nhưng thụt lùi trong dự thảo luật.
Thiếu thực tế
Hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại quận Tân Bình, TP HCM cho biết hiểu nôm na theo cách lâu nay, mỗi trường tư có một hội đồng sáng lập nhà trường, còn gọi là HĐQT, có mã số thuế. Tuy nhiên, thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mỗi tỉnh sẽ công nhận HĐQT này, còn Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ quản lý thuế. "Dự thảo Luật Giáo dục đã sửa đổi yêu cầu HĐQT mỗi trường thành lập như một công ty, nghĩa là muốn thu thêm thuế" - vị này nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nguyên tắc của việc sửa đổi là sửa những điều cũ kỹ, lạc hậu và bổ sung cái mới, điều tiến bộ. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới, nhiều điểm lại đi ngược với nguyên tắc này.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), chỉ ra một số điểm thiếu thực tế như: trường tư thục có 2 yếu tố để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường. Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục. Thế nhưng, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, khoản 3 điều 56 lại quy định ngoài đại diện các nhà đầu tư còn có thành phần liên quan trong và ngoài nhà trường. Theo thầy Khang, với một hội đồng trường nhiều thành phần như vậy, làm sao có thể thay thế một HĐQT theo luật hiện hành có đầy đủ quyền sở hữu trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục?
Học sinh Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (TP HCM) trong giờ thí nghiệm
Đại diện nhiều trường tư tại TP HCM băn khoăn hội đồng trường trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có thay thế nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành hay không? Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, người sáng lập hệ thống Trường Tiểu học THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm tại TP HCM và Bình Dương, cho rằng các trường rất mong có một hành lang pháp lý ổn định để yên tâm hoạt động.
Mù mờ quy định
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh cho hay theo Luật Giáo dục hiện hành, trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học - THCS - THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục. Điều 8 và 11 của quy chế ghi: Trường có từ 2 thành viên góp vốn trở lên phải có HĐQT. HĐQT cũng là cơ quan quản lý và tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của đại hội đồng thành viên góp vốn, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật.
HĐQT do đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Đối tượng tham gia HĐQT là những người có vốn góp xây dựng trường hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định. Tóm lại, nhà đầu tư có nhiệm vụ và quyền hạn như HĐQT.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, hội đồng trường không thể đại diện cho quyền sở hữu trường, cũng không được quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, phương hướng, đường lối hoạt động của nhà trường. "Quy định như vậy chẳng khác nào nhà đầu tư có thể mất trường bất cứ lúc nào" - bà Thúy Vĩnh lo ngại.
Nhiều ý kiến khác cho rằng nhà nước đang khuyến khích các hình thức xã hội hóa trong giáo dục, dành nhiều ưu đãi cho trường tư phát triển vì chính hệ thống giáo dục này gánh vác trách nhiệm không nhỏ trong sứ mệnh GD-ĐT bên cạnh hệ thống các trường công. Thế nhưng, dự thảo Luật Giáo dục gọi là "sửa đổi" mà lại như cố tình làm khó các trường.
Một điểm khác khiến dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vấp phải nhiều ý kiến phản đối là quy định tại điều 61 về nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường. Trong đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhà nước đừng nên ôm đồm thêm nữa mà chỉ nên tham gia giám sát. Phương thức quản lý ôm đồm, mất tập trung, lại chung chung, thiếu rõ ràng trong việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã nảy sinh nhiều trường hợp sai phạm nhưng không ai đứng ra nhận. Điều này đi ngược với xu thế phát triển, kìm hãm các trường. Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng không nên dùng cụm từ "tăng cường tự chủ" mà phải là "trao quyền tự chủ". Có như thế, các trường mới toàn quyền trong việc điều hành và chịu trách nhiệm.
Trường tư đâu chỉ vì lợi nhuận!
Theo bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, đầu tư một ngôi trường nghiêm túc, có đội ngũ giáo viên tận tâm, cơ sở vật chất khang trang đáp ứng yêu cầu dạy, học và tổ chức hoạt động nội trú không phải dễ. Để có thương hiệu, trường phải dày công tâm huyết xây dựng nhiều năm, tốn nhiều công sức, chất xám và đầu tư về tài chính.
"Thành công của một ngôi trường là sự nỗ lực của tập thể nhà trường. Hệ thống trường tư không chỉ gánh vác cùng nhà nước giải quyết chỗ học cho học sinh, đỡ ngân sách cho nhà nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Thế nên, mong rằng đừng coi những trường tư là đơn vị kinh doanh thuần túy về lợi nhuận" - bà bày tỏ.