Áp lực trước đồng nghiệp với nhau nhiều lúc không bằng lòng cũng phải sửa. Những môn vẫn được hay xin để nâng điểm đó là: tiếng Việt, tiếng Anh và toán.
Một đồng nghiệp khác lại tâm sự: "Giáo viên còn phải nâng điểm cho chi hội phụ huynh lớp nữa, họ đóng góp cả năm mà con họ không được học sinh giỏi cũng buồn. Cả những mạnh thường quân cũng phải đặt lên hàng đầu danh sách ưu tiên...". Giáo viên kể có chuyện bị phụ huynh đe dọa với đủ chiêu trò từ năn nỉ đến dọa nạt để nâng điểm vì con của họ không được học sinh giỏi và cảm thấy thua thiệt với người khác.
Giáo dục cần hướng tới thực chất
Trong hết thảy chúng ta có ai đã từng dõng dạc không chút ngại ngần: "Con tôi không phải là học sinh giỏi!". Tâm lý không có cái hình con cầm giấy khen học sinh giỏi để đăng lên mạng xã hội là không bằng người ta, cảm thấy con mình thua con người ta là có thật. Cái bệnh sĩ diện thâm căn cố đế đã ăn sâu trong tâm lý người Việt, không dễ thay đổi một sớm một chiều.
Và rồi cơ chế xin cho ấy đã thấm sâu, thành nếp trong suy nghĩ của thầy cô, các bậc phụ huynh. Lâu dần thành lệ: "Cứ cho đạt giỏi đi, có mất gì đâu, các em còn nhỏ không được lại buồn". Sự cả nể, thiếu can đảm từ phía thầy cô do lãnh đạo nói thì phải nghe, từ chối thật khó... Cứ xin và cứ nâng, cứ sửa thành một thói quen, thành một sự hiển nhiên. Cái sai lấn át cái đúng và nghiễm nhiên được chấp nhận như một quy luật tồn tại. Sửa điểm nâng điểm được ở cấp 1 sẽ nâng sửa được cấp 2 , cấp 3 rồi đại học. Người ta không thấy ngại, thấy sợ khi làm cái sai nữa.
Từ chỗ học sinh giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay trong một lớp đến chỗ một lớp đến 80%, 90% là chuyện bình thường và không học sinh giỏi mới là hàng hiếm. Học sinh giỏi không còn là thực chất nữa mà trở thành thứ để ngoại giao, quan hệ, thứ để khoe cho bệnh sĩ, thứ để xin - cho, để nâng cao thành tích. Và đáng sợ nhất thứ để đầu độc trẻ em đi vào con đường gian dối.
Bao giờ chấm dứt được loạn học sinh giỏi, chấm dứt được cơ chế xin - cho? Thầy nghiêm khắc thực hiện nội quy; phụ huynh coi trọng việc dạy người cho con hơn là danh hiệu học sinh giỏi thì lúc đó mới đánh giá đúng thực lực của học sinh.