Một tuần trong cương vị Hiệu phó phụ trách đào tạo chương trình đào tạo đặc biệt của trường Đại học Văn Lang (TP HCM), GS Trương Nguyện Thành chia sẻ về công việc, giáo dục đại học và những dự định trong tương lai.
- Cảm xúc của ông trong lần trở lại Việt Nam này như thế nào?
- Tôi vui và hào hứng. Cách đây 3 năm tôi về Đại học Hoa Sen với mong muốn mang về Việt Nam những kinh nghiệm giáo dục đại học được tích lũy được không chỉ ở Mỹ, mà nhiều nơi trên thế giới.
Khi đó, tôi biết đó là thử thách đồng thời cũng là cơ hội lớn. Một năm ở Hoa Sen, tôi nhận thấy bản thân đã xây dựng được một số giá trị mới cho trường.
Lần này, quay lại Việt Nam với vị trí tại Đại học Văn Lang, tôi vẫn giữ nhiều cảm xúc. Văn Lang đang ở bước chuyển mình mạnh mẽ, và dĩ nhiên đây vẫn là cơ hội lớn để tôi được cống hiến, giúp sức.
GS Trương Nguyện Thành tại Đại học Văn Lang. Ảnh: Mạnh Tùng.
- Một năm qua, sau khi rời Đại học Hoa Sen, ông làm những gì?
- Đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Sau một thời gian dài làm việc ở Mỹ rồi về Việt Nam, tôi bị cuốn theo guồng máy mà không có cơ hội dứt ra để nhìn lại mình đã làm được gì, còn điều gì thiếu sót.
Tôi tự đánh giá có chút nuối tiếc, nếu có cơ hội làm lại có thể làm tốt hơn nhiều việc. Một vài quyết định của tôi trước đây chưa đúng bởi khi đó dựa trên nền tảng đại học ở Mỹ, trong khi bối cảnh xã hội, văn hóa ở Việt Nam khác nên hiệu quả không cao.
Một năm qua tôi cũng đi và học hỏi thêm về cách quản trị, tổ chức đại học trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn viết sách. Ban đầu, tôi đã quan sát sinh viên Việt Nam rất kỹ về kỹ năng, giao tiếp, cách học và dự định sẽ viết một cuốn dạng cẩm nang.
Sau khi liệt kê những vấn đề sinh viên mắc phải, tôi lại giật mình nhận ra đáng lẽ những điều này cần được dạy sớm hơn và nó phải bắt nguồn từ gia đình. Thế là tôi viết một cuốn sách dạy trẻ, dành cho phụ huynh bởi muốn đi từ gốc. Thú thực, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, rất hoang mang trong cách dạy con.
Vợ cũ của tôi là người Nhật, hai đứa con mang hai dòng máu, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Văn hóa người Việt, người Nhật đôi khi đối chọi nhau, đồng thời cũng có nhiều điểm đối chọi với văn hóa Mỹ. Tôi muốn con mình biết cách dung hòa, không muốn con mất gốc.
- Ông nghĩ mình sẽ làm được gì cho Đại học Văn Lang?
- Tôi sẽ đem lại triết lý khai phóng cho sinh viên, bởi đó là nền tảng xây dựng văn hóa văn minh, một môi trường giáo dục tốt đẹp. Triết lý giáo dục khai phóng không mới bởi nó đã hình thành ở Mỹ, châu Âu một thời gian dài. Áp dụng ở Việt Nam, tôi tin sẽ xây dựng một thế hệ sinh viên năng động, có khả năng thích nghi với những môi trường khác nhau.
Trong việc đạo tào, với cương vị của mình, tôi sẽ thiết kế chương trình cho sinh viên cơ hội phát triển một cách tối đa tính "cá nhân hóa". Họ có thể tự mình thiết kế chương trình học thích hợp nhất với đam mê, sở thích. Dĩ nhiên, việc này ban đầu chưa thể thực hiện đại trà.
Với mối quan hệ với giới học thuật rộng rãi quốc tế, tôi có thể mời các giáo sư về trường giảng dạy cho sinh viên. Tôi hiểu "gu" làm việc ở môi trường quốc tế, biết họ cần gì nên tự tin sẽ làm tốt việc này.
- Còn với sinh viên, ông sẽ mang đến cho họ những bất ngờ nào - tương tự như việc mặc quần sooc giảng bài 2 năm trước?
- Hồi các con tôi còn bé, tôi thường đóng vai hề, giả ngố khi chơi với chúng hoặc cần để minh họa khi dạy cho chúng một điều gì đó. Tôi học cách làm này từ các cô giáo mầm non - biến mình thành "học cụ" cho trẻ.
Việc "giáo sư quần đùi" trước đây, bản chất cũng là cách tôi biến mình thành học cụ để sinh viên hiểu rằng trong tư tưởng không có giới hạn, phải vượt qua mọi rào cản thì mới có sản phẩm đột phá.
Mỗi xã hội đều có những chuẩn mực khác nhau, có những cái nhìn trái chiều nên có người khen chê. Tôi không khó chịu với lời chê, trái lại tôi cảm thấy vui vẻ với biệt danh "giáo sư quần đùi".
Sắp tới, tôi sẵn sàng làm "học cụ" cho sinh viên, dĩ nhiên sẽ không mặc quần đùi giảng bài nữa, mà phải sáng tạo những việc mới hơn, hấp dẫn hơn. Quan điểm của tôi là mục tiêu của mọi sự sáng tạo phải hướng đến người học và việc làm đó tuân thủ pháp luật.
- Theo ông, điểm yếu nhất của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là gì?
- Điểm yếu nhất cũng là cơ hội lớn nhất ở trong các đại học hiện nay, đặc biệt khối tư thục, là quản trị. Nhiều trường vẫn còn lúng túng trong quy trình xử lý hành chính, khả năng ra quyết định, phương pháp phân quyền.
Mọi việc còn rườm rà, tạo nên một bộ máy cồng kềnh và chưa tối ưu hóa để phục vụ sinh viên. Chẳng hạn có nhiều công việc lẽ ra trưởng khoa phải quyết định thì họ phải trình Ban giám hiệu.
Điều này khác với ở Mỹ, nơi mà hệ thống giáo dục tối ưu, mọi việc như dây chuyền, mấy chục năm tôi ở đó gần như không thay đổi nhiều.
Ngoài ra, chính sách quản lý từ Nhà nước cũng có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển giáo dục đại học. Tôi từng làm việc ở Thái Lan từ năm 1994 đến 2006, mỗi năm một mùa hè. Hồi đó, các đại học ở đây cũng khá giống Việt Nam bây giờ.
Nhưng họ đã tranh đấu cho quyền tự chủ, Bộ Giáo dục Thái Lan đã dần dần trao quyền này. Hiện nay thì rõ ràng, đại học ở Thái Lan có sự phát triển mạnh mẽ từ chất lượng giảng dạy cho tới nghiên cứu khoa học.
GS Trương Nguyện Thành (57 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán (ĐH Minnesota, Mỹ), có hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Năm 1990, ông giành được giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ, sau đó học tiếp sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah. Năm 2005, ông Thành được Phó chủ tịch UBND TP HCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Ông được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM. Cuối năm 2016, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị phó hiệu trưởng điều hành. UBND TP HCM sau đó kết luận không đủ cơ sở pháp lý để công nhận ông làm hiệu trưởng của trường, dù được 16 trong tổng số 18 thành viên Hội đồng quản trị đồng ý đề cử giữ chức này. Năm 2017, ông Thành gây xôn xao dư luận khi mặc quần đùi nói chuyện trước sinh viên trong chương trình Lộ trình sáng tạo ở Đại học Hoa Sen. |