Chú trọng công tác tư vấn học đường

Thứ tư, 31 Tháng 7 2019 14:27 (GMT+7)
Làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp học sinh hình thành thái độ và kỹ năng ứng xử tích cực trước những tình huống của xã hội và cuộc sống. Vì thế, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thành phố đẩy mạnh công tác tư vấn học đường tại các trường trung học trên địa bàn.

Một buổi truyền thông về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường tại Trường THCS An Khánh, do Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều phối hợp với Công an TP Cần Thơ tổ chức năm 2019.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo “Thực trạng công tác tư vấn học đường tại các trường trung học trên địa bàn TP Cần Thơ” tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Tại hội thảo, đa số đại biểu cho rằng, cán bộ và giáo viên phụ trách công tác tham vấn tâm lý ở các trường đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm, hỗ trợ học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống.

Theo cô Đinh Kim Oanh, giáo viên Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), những học sinh khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, bị bắt nạt... thường không giải bày với người khác. Các em chỉ có thể chia sẻ với người mà mình tin tưởng, vì vậy: “Giáo viên phụ trách công tác tư vấn học đường phải có năng lực, nhiệt huyết và được đào tạo, tập huấn chuyên môn ngắn hạn hoặc dài hạn”, cô Oanh nói. Với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học, cô Oanh cho biết, ngoài việc cung cấp kiến thức và nhiệt huyết với nghề; người thầy với tình thương yêu học sinh còn là người thân, người bạn chia sẻ với các em khó khăn trong học tập, cuộc sống. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, cốt lõi mà một người giáo viên phải có và hướng tới là không chỉ truyền kiến thức mà còn dạy học sinh cách làm người, cách sống. Để làm được điều đó, giáo viên cần có sự thấu hiểu, cảm thông và thực sự quan tâm tới học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là học sinh phải được hướng dẫn cách thức bảo vệ bản thân trước khi nhận được sự bảo vệ của người khác. Có thể thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo để có kiến thức, kỹ năng mềm... Mỗi trường học cần xây dựng Tổ tư vấn tâm lý học đường, có cán bộ phụ trách nhằm phát hiện sớm, hỗ trợ học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống; tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Nhiều năm qua, các trường trung học trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện bằng nhiều hình thức: Sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ, tổ chức CLB học thuật, phong trào giao lưu văn hóa, văn nghệ… Hiện có 100% trường học của TP Cần Thơ đã thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; có Tổ Tư vấn tâm lý học đường và có giáo viên phụ trách. Đơn cử, tại Trường THCS An Hòa 2 (quận Ninh Kiều), năm học 2018-2019 có hơn 90% học sinh học lực đạt loại Giỏi và Khá; hạnh kiểm Khá, Tốt, bạo lực học đường chưa xảy ra… Kết quả đó một phần nhờ nhà trường đa dạng hóa hoạt động ngoại khóa; các tổ chức chính trị, đoàn thể, Tổ Tư vấn tâm lý học đường của trường thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, thu hút học sinh tham gia. Em Bùi Nguyễn Ngọc Mỹ, học sinh lớp 7A7 của trường, cho biết: “Qua những buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, chúng em được hướng dẫn kỹ năng tự vệ. Những lúc khó khăn, em tìm thầy cô tư vấn tâm lý để tháo gỡ, giúp em vượt qua chướng ngại ở tuổi mới lớn”. Theo thầy Trần Thiên Phú, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, kiêm phụ trách Tổ Tư vấn tâm lý học đường, bên cạnh hoạt động đoàn thể, giáo viên còn nắm bắt tâm tư tình cảm, khó khăn cũng như định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo…) đúng cách, phục vụ cho việc học tập, rèn luyện kỹ năng mềm.  

Dù vậy, công tác tâm lý học đường vẫn còn một số khó khăn. Các trường phổ thông có Tổ Tư vấn tâm lý học đường nhưng vẫn chưa có giáo viên chuyên trách; thiếu về số lượng, chất lượng trong khi chương trình học vẫn chưa có tiết học về tâm lý giới tính. Theo cô Nguyễn Lê Hương, Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa 2, công tác này cần có giáo viên chuyên trách, có kiến thức về tâm lý học đường... Lãnh đạo của nhiều đơn vị, như Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều), Trường THCS An Thới (quận Bình Thủy)... cũng có ý kiến tương tự. Cô Trần Thị Phương Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới, cho rằng, nếu như có được giáo viên chuyên trách, hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường sẽ đạt hiệu quả hơn. 

Bài, ảnh: Ng.Ngân - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục