Thi tại các tổ chức khảo thí độc lập
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết phương án thi sau năm 2020 được xây dựng trên 3 nguyên tắc. Đó là bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội và áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến hoàn thiện phương án thi THPT sau năm 2020 Ảnh: ĐÌNH NAM
Đối tượng dự thi là học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, phương thức tổ chức thi là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình bảo đảm tính khả thi. Ông Mai Văn Trinh cho hay đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Theo lộ trình Bộ GD-ĐT đưa ra, giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Các bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019, cấu trúc lại các câu hỏi trong những bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực.
Bộ sẽ giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Phải tạo thuận lợi tối đa cho học sinh
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã làm quen. Sau đó, ngành giáo dục đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng.
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, thi trên máy tính, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng cần thí điểm ở một số thành phố lớn, đủ điều kiện trước, không nên vội vàng áp dụng đại trà bởi các vùng ở Việt Nam phát triển không đồng đều.
"Mấy năm nay, chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều vào kỳ thi nhưng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính, chúng ta phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh" - ông Đỗ Văn Dũng góp ý.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phải làm rõ hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục ở các địa phương khác với việc thi nhiều lần tại các trung tâm khảo thí để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, cầu thị để chuẩn bị cho phương án thi THPT sau năm 2020 một cách căn cơ, có lộ trình chắc chắn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc gia, một trong những xu hướng cần đưa vào kỳ thi THPT quốc gia là áp dụng công nghệ để thí sinh được thi trên máy tính và giảm sự can thiệp không cần thiết của con người. Tuy nhiên, muốn thi được trên máy thì trong quá trình học, học sinh phải thao tác trên máy được.
"Không có chuyện các cháu không thao tác được lại bắt thi trên máy hay không dùng quen máy này lại bắt phải thi trên máy đó" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng cho rằng việc triển khai thi trên máy cần có sự chắc chắn nhưng cũng tích cực chuẩn bị tốt cả về cơ sở hạ tầng và cán bộ thực hiện.