Viết cam kết vì chệch ý thầy
Cha mẹ học sinh này cho biết năm nay con học lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi. Học sinh mới từ bậc tiểu học vào học THCS còn nhiều bỡ ngỡ với trường, lớp mới, thầy cô, bạn bè mới và đặc biệt là các con vẫn chưa quen với cách giảng dạy, cách học của bậc THCS. Vì thế, những bài kiểm tra đầu năm đa số các con đều không đạt điểm cao.
Nên thay đổi phương pháp giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo, ham học hỏi ở học sinh Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng phụ huynh này cho biết cứ em nào bị điểm thấp là phải làm bản cam kết tự nhận lỗi, đồng thời hứa lần kiểm tra sau sẽ đạt điểm cao hơn. Những học sinh có bài kiểm tra đạt 5 điểm, 6 điểm cũng phải làm bản cam kết như vậy.
Không riêng gì học sinh lớp 6 ở quận 3, học sinh một lớp 8 tại trường THCS có tiếng ở quận 5, TP HCM cũng bị yêu cầu tương tự. Theo lời kể của phụ huynh, đề kiểm tra cho đoạn văn (trích từ báo), bảo học sinh đọc hiểu rồi viết cảm nhận: đoạn ấy nêu tư tưởng chủ đề gì, gửi gắm thông điệp gì; đâu là suy nghĩ của em? Trước đó, giáo viên bộ môn có hướng dẫn sườn bài, cách làm, cách cảm nhận... Nhưng cả lớp không ai đạt điểm cao, vì em nào cũng làm khác hướng dẫn của giáo viên bộ môn nên bị phê là "không đúng những nội dung giáo viên đã lưu ý, sửa chữa".
Sau đó, giáo viên bắt học sinh phải viết bản cam kết, trong đó nêu: Lần sau sẽ làm theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn, bài kiểm tra sau sẽ cao điểm hơn lần trước; bắt phụ huynh ký tên vào bản cam kết đó.
Phụ huynh học sinh cũng cho biết giáo viên còn dọa toàn bộ lớp sẽ viết cam kết mãi cho đến khi đạt điểm 10 văn thì thôi. Thật sự, dù học sinh làm bài có đủ ý đi nữa nhưng nếu viết cảm nhận chệch ý giáo viên thì cũng chỉ được cho 5-6 điểm.
Giáo viên xót hay bệnh chạy theo thành tích?
Cô Lê Thị Kim Loan, giáo viên môn ngữ văn Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP HCM, cho rằng khi chấm văn của học sinh, giáo viên cần căn cứ theo nhiều yếu tố. Yêu cầu đầu tiên là học sinh phải biết cấu trúc; nội dung ý tưởng, bài viết có trả lời ý chính, diễn đạt, câu từ…; phần hành văn diễn đạt ý cũng phải có sự trau chuốt chứ không phải là vài câu đơn giản. Là bài văn nên phải tôn trọng ý cá nhân của học sinh khi thể hiện bài làm.
Trao đổi với báo chí, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi, cho biết đầu năm học 2019-2020, thấy học sinh lớp mình chủ nhiệm bị điểm dưới trung bình nhiều quá nên rất xót. Trong đó có khoảng 10/49 em thường xuyên bị điểm dưới trung bình các môn nên yêu cầu những em này làm bản cam kết, về nhà đưa cho phụ huynh ký tên vào, rồi nộp cho cô. Trong bản cam kết, các em hứa với cô phải cố gắng học để lần sau không bị điểm kém nữa.
Giáo viên này cho rằng việc đề nghị học sinh cam kết, trong đó có chữ ký của phụ huynh, không phải tạo áp lực mà mong muốn phụ huynh đồng hành. Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể hỗ trợ chuyên môn nhưng ít nhất cũng nhắc nhở con em tập trung học hành khi không ở trường.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 (TP HCM), cho rằng theo thang điểm 10 thì những học sinh đạt điểm từ 5 trở lên đều đã đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây, theo bà Thủy, có thể là do giáo viên nóng ruột về tình hình học tập của học sinh và muốn cho học sinh có kết quả học tập tốt hơn chứ không phải là gây áp lực. Việc đề nghị phụ huynh ký tên nhằm mục đích cùng nhà trường quan tâm hơn đến việc học của con em, không hẳn vì bệnh thành tích. Bà Thủy cũng cho biết phương pháp dạy, học thời nay đã thay đổi. Việc dạy, học không thiên về học thuộc, văn mẫu mà khai thác ý sáng tạo của học sinh.
Mỗi cấp học có đánh giá riêng
Một lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo cho rằng nếu biện pháp đó của giáo viên nhằm mục đích để học sinh phấn đấu, gia đình có trách nhiệm hơn thì là một trong những biện pháp cần nhưng nếu cam kết để buộc học sinh học thêm thì không được. Vị này cho rằng mỗi cấp học có những cách đánh giá riêng.