Thức ăn nhanh thường chứa nhiều muối không tốt cho cơ thể. Ảnh: Shutterstock
Trong nghiên cứu do Trung tâm y học phân tử Max Delbrück cùng Trung tâm Thực nghiệm và Lâm sàng tiến hành, các nhà khoa học phát hiện lợi khuẩn đường ruột lactobacillus bị tiêu diệt khi các con chuột thí nghiệm được nuôi bằng chế độ ăn nhiều muối. Nhóm nghiên cứu còn ghi nhận tình trạng tăng huyết áp và kích hoạt giải phóng tế bào miễn dịch gây viêm TH17 trên chuột. Đặc biệt, chúng còn có triệu chứng viêm não tương tự tình trạng của bệnh đa xơ cứng (MS) – bệnh tự miễn do các kháng thể của hệ miễn dịch tấn công mô thần kinh ở não và tủy sống. Đáng ngạc nhiên là, triệu chứng viêm não và số lượng tế bào TH17 bắt đầu giảm dần khi chuột tiếp nhận phương pháp điều trị bằng lợi khuẩn lactobacillus, sau đó huyết áp của chúng cũng trở về mức ổn định bình thường.
Công bố tại Hội nghị Tim mạch Anh, nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trên 12 tình nguyện viên nam khỏe mạnh. Tất cả được yêu cầu tăng gấp đôi lượng muối tiêu thụ bằng cách thêm vào chế độ ăn 6 gr muối/ngày. Sau 2 tuần, các nhà khoa học phát hiện lợi khuẩn lactobacillus hoàn toàn biến mất khỏi hệ vi sinh đường ruột của các tình nguyện viên, trong khi huyết áp và số lượng tế bào TH17 đều tăng lên.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này chứng thực tác hại của thói quen ăn mặn và cung cấp thêm hiểu biết về ảnh hưởng của sức khỏe đường ruột đối với các bộ phận khác trong cơ thể. Họ hy vọng những nghiên cứu tiếp theo về tỷ lệ lợi khuẩn có thể mở ra phương pháp điều trị hiệu quả một số bệnh như cao huyết áp.
Được biết, lactobacillus - hiện diện nhiều trong các loại thực phẩm lên men như dưa chua, sữa chua và phô mai - được coi là vi khuẩn “tốt” do có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh nhất định. Chẳng hạn nghiên cứu hồi năm ngoái cho thấy, lactobacillus có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh, đồng thời giúp giảm viêm thận ở phụ nữ mắc bệnh tự miễn lupus ban đỏ.