Một số báo cáo cho biết ở Mỹ, hiện có khoảng 7.000 con hổ sinh sống tại các sở thú hoặc bị bắt làm "thú cưng". Trong khi đó, theo ước tính, số lượng hổ hoang dã trên thế giới chỉ khoảng 3.890 con.
Việc nuôi giữ thú cưng "độc" đang là một vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ.
Ở một số bang như Texas, việc sở hữu thú cưng - bất kể là con gì - được xem là một quyền tự do cá nhân mà chính quyền không nên can thiệp.
Nói về vấn đề này, nhà hoạt động vì động vật Ben Callison cho biết ông đã bị một số đối tượng chỉ trích sau khi kêu gọi Bộ Nông nghiệp Mỹ can thiệp vào những vấn đề liên quan đến thú cưng "độc".
"Người ta nói tôi tìm cách tước quyền tự do sở hữu thứ họ muốn và làm điều họ muốn" – ông Calission bày tỏ.
Ở Texas, việc sở hữu hổ làm thú cưng được nhiều người xem là quyền tự do cá nhân mà chính quyền không nên can thiệp. Ảnh: BBC
Tuy nhiên, cũng không ít người dân Texas muốn chính quyền can thiệp vào vấn đề nói trên vì sự an toàn của cộng đồng. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều vật nuôi "độc" ở Mỹ không thuộc diện các đối tượng được quy định trong Đạo luật về Các loài nguy cấp 1973 (ESA) – vốn chỉ áp dụng đối với động vật bị bắt trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, phần lớn hổ ở Mỹ có nguồn gốc từ các nhà nhân giống.
Do đó, gánh nặng pháp lý thuộc về các tiểu bang. Mặc dù số lượng gia tăng, các quy định thường không hiệu quả, kể cả ở Texas - giới quan sát cho biết.
"Người ta muốn vật nuôi độc đáo. Có rất nhiều thú ăn thịt bị nhốt làm vật nuôi trên khắp cả nước, trong đó có gấu đen, sư tử châu Phi, sư tử núi. Người ta cũng nuôi các loài bò sát nguy hiểm như cá sấu và rắn độc" – ông Nicole Paquette, Phó Chủ tịch tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Humane Society of the United States (HSUS), chia sẻ.
Theo BBC, bang Texas hiện có khoảng 2.000 – 5.000 con hổ bị nuôi nhốt, phần lớn là không được đăng ký. Đáng chú ý, tại bang Texas, việc sở hữu một con hổ còn dễ dàng hơn việc sở hữu một con chó bị xác định là nguy hiểm.
Ở bang Texas, hiện có khoảng 2.000 - 5.000 con hổ bị nuôi nhốt, phần lớn không được đăng ký. Ảnh: BBC
"Texas là một bang bảo thủ, đề cao các quyền tự do cá nhân và quyền sở hữu thứ bạn muốn…Bạn có thể mua một con hổ trên mạng, thật điên rồ" – bà Pamela Boich, thuộc nhóm vận động hành lang vì phúc lợi động vật Texas Human Legislation Network, cho biết.
Vào năm 2001, Texas thông qua một điều luật yêu cầu thú cưng "độc" phải được đăng ký sau khi một con hổ nuôi sổng ra ngoài và cắn đứt tay của một chàng trai trẻ. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật lại thuộc về chính quyền địa phương của 254 hạt, khiến việc "săn" hổ không đăng ký rất khó.
Chris Van Deusen, người phát ngôn của Sở Dịch vụ Y tế Texas, cho biết hiện chỉ có khoảng 50 con hổ được đăng ký. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc vật nuôi nguy hiểm trốn thoát, đặc biệt là khi có thiên tai.
Đáng lo ngại hơn, với loài hổ, thời tiết Texas thường rất dễ chịu - nghĩa là chúng có thể sống bên ngoài quanh cả năm mà không cần phải tìm nơi trú đông – quản lý Sở thú Austin John Gramieri cho biết.
Ngoài ra, vị trí của Texas cũng rất thuận lợi cho các hoạt động mua bán hổ xuyên biên giới với Mexico. Trước đây, động vật bị buôn lậu tại khu vực biên giới này thường là các loài chim và bò sát đến từ Mexico. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi trong những năm gần đây với chủ yếu là hổ và các loài vật thuộc họ mèo được nhân giống tại Mỹ và buôn lậu vào Mexico.
Hổ bị nuôi nhốt thường bị bệnh cùng nhiều chấn thương thương khác, bao gồm teo cơ bắp, do ăn thiếu chất và ít vận động. Ảnh: BBC
Theo nghiên cứu được Liên đoàn Bảo tồn Feline (FCF) tiến hành trong giai đoạn 2011-2016, số lượng động vật thuộc họ mèo lớn ở Mỹ đã giảm từ 6.563 xuống còn 5.144 (giảm 22%). Trong khi đó, số lượng cơ sở nuôi mèo lớn cũng giảm 24%, từ 718 xuống còn 548.
Bà Boich giải thích rằng xu hướng giảm này xuất phát từ "giáo dục" và "luật lệ". "Theo tôi, thế hệ trẻ được giáo dục nhiều hơn về vấn đề này và họ không ủng hộ những nơi nuôi nhốt hay nhân giống các loài vật thuộc họ mèo lớn" – bà Boich cho hay.
Hiện tại, các nhà hoạt động vì động vật đang kêu gọi giới chức ban hành lệnh cấm liên bang về việc nhân giống và sở hữu các loài vật nguy hiểm.
Tuy nhiên, ngay cả khi lệnh cấm nói trên được ban hành và giới chức thực thi pháp luật cùng với những cơ quan khác tiến hành thu giữ hổ bị nuôi nhốt trái phép, họ vẫn chưa biết nên làm gì với chúng. Sở thú và các khu bảo tồn động vật cho biết họ đã "quá tải" vì hổ.