Ảnh chụp buồng trứng người dưới kính hiển vi. Ảnh: New Scientist
Hiện có 2 phương pháp giúp bảo toàn khả năng sinh sản cho phụ nữ sắp bước vào qui trình điều trị ung thư. Một là lấy trứng ra khỏi cơ thể bệnh nhân và trữ đông để sau khi chữa khỏi ung thư và sức khỏe sẵn sàng thì họ có thể có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Hai là bệnh nhân sẽ được bóc tách mô buồng trứng trước khi điều trị ung thư, trữ đông và cấy mô này trở lại cơ thể để tiếp tục sinh con sau khi chữa bệnh thành công.
Đối với đa số phụ nữ, hai phương pháp nói trên an toàn, nhưng với một số bệnh ung thư nhất định (như ung thư buồng trứng và ung thư máu) tế bào ung thư có khả năng đã lan vào mô buồng trứng. Điều đó đồng nghĩa mô buồng trứng vẫn có thể chứa các tế bào ác tính vào thời điểm được bóc tách đưa đi đông lạnh và có thể tái phát ung thư một khi được cấy trở lại cơ thể.
Nỗ lực của nhóm nghiên cứu là nhằm loại bỏ khả năng tái phát ung thư từ mô gốc. Theo đó, trưởng nhóm Susanne Pors và các cộng sự giả định rằng nếu họ có thể dùng kỹ thuật sinh học tạo một “giàn khung của mô buồng trứng” không chứa tế bào ung thư, họ có thể cấy các nang trứng non đã đông lạnh trước đó trở lại khung sinh học này để trứng có thể phát triển và trưởng thành một cách tự nhiên. Điều này có thể giúp khôi phục lại khả năng sinh sản cho bệnh nhân.
Để phát triển “buồng trứng nhân tạo”, nhóm chuyên gia sử dụng mô buồng trứng do bệnh nhân hiến tặng và xử lý nó bằng một qui trình hóa học kéo dài 3 ngày để loại bỏ tất cả các tế bào có thể chứa ung thư. Qui trình này cuối cùng đã tạo ra “một giàn khung không còn tế bào”, chỉ còn lại hai vật liệu nền giúp kết nối tế bào là prôtêin và collagen. Sau khi thử cấy nang trứng còn non vào đó, các chuyên gia phát hiện “buồng trứng nhân tạo” đã nuôi dưỡng các tế bào nang trứng phát triển, đúng như dự định. Trong thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu cũng tạo buồng trứng sạch tế bào cũ rồi cấy vào cơ thể con vật. Kết quả cho thấy “buồng trứng nhân tạo” của chuột cũng nuôi dưỡng các nang trứng thành công.
Từ những kết quả khả quan trên, tác giả chính của nghiên cứu Susanne Pors nhận định “buồng trứng nhân tạo” có khả năng mở ra một phương pháp mới giúp bảo tồn khả năng sinh sản cho phụ nữ, mà không tiềm ẩn nguy cơ tái phát ung thư. Dù vậy, bà cho rằng có thể phải mất thêm từ 5-10 năm nghiên cứu thì buồng trứng nhân tạo mới sẵn sàng thử nghiệm trên người.