Kết quả trên được đưa ra trong nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm của Đại học Lund (Thụy Điển). Những người đàn ông tham gia nghiên cứu đều đã có con đầu lòng trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2014, tuy nhiên, chỉ một phần trong số họ có con tự nhiên hoặc nhờ IVF thông thường (thụ tinh trong ống nghiệm).
Các nhà khoa học kiến nghị đưa những người đàn ông vô sinh vào danh sách sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt - ảnh: SHUTTERSTOCK
Số người còn lại có con nhờ kỹ thuật tiêm tinh trùng nội bào (ICSI) mà chỉ vài quốc gia trên thế giới thực hiện và rất đắt đỏ. Đây là những người mà IVF thông thường cũng bó tay vì số tinh trùng của họ quá thấp về chất lượng và ít về số lượng. Nói cách khác, người ta xếp những người đàn ông phải dùng ICSI tương đương với những người được xem là hoàn toàn vô sinh.
Có nhiều mối liên quan giữa vô sinh và ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện: thứ nhất, các khối u tuyến tiền liệt giai đoạn sớm không được chẩn đoán có thể gây vô sinh; thứ hai, mức độ testosterone quá thấp không chỉ làm họ giảm "bản lĩnh đàn ông", mà còn tăng nguy cơ cả vô sinh lẫn ung thư tuyến tiền liệt.
Những người đàn ông vô sinh có nguy cơ phát triển loại ung thư ám ảnh nam giới này gấp 3 lần. Đây là một con số rất đáng lo ngại, bởi nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt vốn đã có tỉ lệ mắc cao. Căn bệnh cũng đến sớm hơn ở nhóm vô sinh.
Theo tác giả chính Yahia Al-Jebari, mục tiêu hàng đầu của nghiên cứu là đưa những người đàn ông vô sinh hoặc quá chật vật với các phương pháp điều trị hiếm muộn vào danh sách sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Đây là một loại ung thư nguy hiểm. Theo thống kê tại Anh, ở những người đàn ông khỏe mạnh bình thường, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt đã là 1/8 dân số nam giới. Căn bệnh này cũng giết chết 11.000 người đàn ông Anh mỗi năm.