Trái đất thật sự là một "hành tinh kim cương" với trữ lượng kim cương khổng lồ chưa được khai phá.
Bạn có thể đi, đứng bên trên một lớp đệm kim cương cực dày mỗi ngày. Tin buồn là bạn không thể cầm xẻng đi đào chúng lên bởi chúng nằm sâu tới 145-240 km bên dưới mặt đất.
Bên dưới các lục địa là một tấm đệm xa hoa chứa hàng ngàn tỉ tấn kim cương - ảnh: LIVE SCIENCE
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geochemistry, Geophysics, Geosystems cho biết ước tính có hàng ngàn tỉ tấn kim cương nằm bên dưới chúng ta. Chúng tạo thành một tấm đệm xa hoa ở phần rễ của các craton, tức phần nền cổ xưa và ổn định của lớp vỏ lục địa, đã tồn tại qua nhiều thời kỳ chia tách và sáp nhập các lục địa. Các craton này lại nằm tận bên dưới các mảng kiến tạo lục địa.
Tiến sĩ Joshua Garber đến từ Đại học California Santa Barbara (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết họ phát hiện ra dấu hiệu của kim cương khi khảo sát các đợt sóng địa chất sâu bên dưới trái đất. Các sóng này tăng tốc khi đi qua phần rễ các craton, chứng tỏ ở đó lạnh và ít dày đặc hơn các cấu trúc xung quanh.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kho dữ liệu hoạt động địa chấn của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, tạo ra mô hình ba chiều về vận tốc sóng địa chất đi qua những miệng núi lửa lớn. Bởi sóng địa chấn chủ yếu sinh ra từ các quá trình tự nhiên như động đất, núi lửa phun, sóng thần. Các thuật toán cho ra đáp số bất ngờ: có tới 1%-2% bộ "rễ" của các núi lửa được tạo thành từ kim cương!
Các nhà khoa học cũng kết luận rằng số kim cương khổng lồ này đã có từ thuở sơ khai của trái đất. Và có lẽ nó sẽ tiếp tục nằm yên đó rất lâu bởi việc xuyên qua bề dày của một lục địa để đào kim cương là chuyện không tưởng.