Ảnh: Health.com
Các chuyên gia nhận thấy trong nhóm phụ nữ sinh từ 5 con trở lên, ngay cả người không bị mất trí nhớ vẫn có điểm số kiểm tra nhận thức và tư duy thấp hơn mức trung bình của nhóm phụ nữ sinh con ít hơn. Theo Giáo sư Ki Wong Kim, trưởng nhóm nghiên cứu, quá trình mang thai làm biến động nồng độ hoóc-môn và điều này có liên quan đến nguy cơ mất trí nhớ.
Ở người và động vật, estrogen bảo vệ chức năng thần kinh nếu tăng nhẹ, nhưng gây hại nếu nó tăng vọt. Trong khi đó, hoóc-môn này thường tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu thai kỳ và đến 3 tháng cuối của thai kỳ thì có thể tăng gấp 40 lần so với các kỳ kinh nguyệt bình thường, rồi trở về mức bình thường sau khi sinh nở. Tương tự, nồng độ progesterone và hoóc-môn gây stress cortisol cũng thay đổi như estrogen trong thai kỳ.
Dựa vào cơ chế trên, nhóm nghiên cứu cho rằng estrogen tăng nhẹ trong quý đầu của thai kỳ giúp bảo vệ trí não, giảm nguy cơ Alzheimer. Tuy nhiên, sinh quá nhiều lần có tác dụng ngược lại, bởi nồng độ estrogen và cortisol phải thay đổi liên tục, từ đó làm giảm khả năng duy trì chức năng não.