Chiều nay, Sao Hỏa đến gần trái đất nhất

Thứ ba, 31 Tháng 7 2018 15:50 (GMT+7)
Vào 14 giờ 50 phút ngày 31-7 (giờ Việt Nam), Sao Hỏa chỉ còn cách chúng ta 57,6 triệu km và tối cùng ngày, bạn có thể thấy nó sáng rực rỡ trên bầu trời.

Trong thời gian trải nghiệm nguyệt thực toàn phần rạng sáng 28-7 vừa qua, nhiều người có dịp nhìn thấy một ngôi sao màu đỏ nhỏ hơn nhưng có phần sáng hơn cả trăng máu nằm gần bên. Đó chính là Sao Hỏa. Vào đêm nay, bạn có thể trông thấy hành tinh này rõ ràng và sáng hơn nữa, theo NASA.

Chiều nay, Sao Hỏa đến gần trái đất nhất - Ảnh 1.

Sao Hỏa - ảnh: NASA

Lần này, khoảng cách giữa Sao Hỏa và trái đất là 57,6 triệu km, chỉ xa hơn một ít so với khoảng cách đo được trong lần tiếp cận "kỷ lục" năm 2003 là 55,8 triệu km, khoảng cách ước tính là gần nhất trong vòng 60.000 năm. 

Để có thể quan sát Sao Hỏa ở khoảng cách tương đương một lần nữa hoặc gần hơn, bạn chỉ có thể mong đợi đến ngày 28-8-2287.

Khoảng cách xa nhất giữa trái đất và Sao Hỏa là 401 triệu km, khi nó ở phía bên kia của mặt trời. Trong khi đó, khoảng cách trung bình giữa 2 hành tinh là 225 triệu km.

Để quan sát Sao Hỏa trong lần tiếp cận trái đất hiếm hoi này, rất đơn giản: nhìn lên bầu trời đêm nay và tìm kiếm hành tinh màu đỏ rực rỡ nhất.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Earth and Planetary Science Letters, băng giá trên Sao Hỏa có thể tan chảy thành nước một lần nữa – điều kiện vàng khiến hành tinh đỏ có thể phát sinh sự sống.

Khảo sát hố thiên thạch trên Sao Hỏa, nhóm tác giả đến từ Đại học Chicago (Mỹ) phát hiện độ nghiêng của trục hành tinh này đã dao động từ 10 độ đến 30 độ và thậm chí có lúc hơn 40 độ trong suốt 3,5 tỉ năm nay, và hiện tại đang nghiêng 25 độ. Trái đất nghiêng 23,5 độ và độ nghiêng hoàn hảo này đã giúp nhiệt từ mặt trời được phân bố hoàn hảo trên các vùng, tạo nên bốn mùa và các vùng sinh sống.

Chiều nay, Sao Hỏa đến gần trái đất nhất - Ảnh 2.

Một miệng hố thiên thạch khổng lồ trên Sao Hỏa - ảnh: NASA

Độ nghiên này được tính toán dựa vào hình dạng các miệng hố thiên thạch bởi các miệng hố tiết lộ góc độ thiên thạch bị bắn phá và cách hành tinh hứng chịu nó. Để đi đến kết luận, nhóm nghiên cứu đã dựng vô số mô hình mô phỏng và cố bắn phá chúng bằng đủ kiểu thiên thạch, rồi đối chiếu với dữ liệu thực tế về bề mặt Sao Hỏa.

Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng độ nghiêng này có thể tiếp tục thay đổi và có thể đến giai đoạn nào nó, nó sẽ đạt được độ nghiêng hoàn hảo như trái đất của chúng ta.

Nguồn: A. Thư  - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học