Bắt đầu tập thể dục từ tuổi trung niên vẫn có lợi cho tim. Ảnh: Healthcentral
Khi chúng ta bước sang tuổi 50, các bó cơ tim bắt đầu teo lại và suy yếu trong khi các động mạch cũng hóa cứng. Những thay đổi này làm tăng huyết áp và khiến tim hoạt động nhiều hơn nhưng kém hiệu quả, qua đó tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim, bao gồm suy tim.
Để kiểm tra tác động nói trên ở người ít vận động và người vận động thường xuyên, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Benjamin Levine dẫn đầu tại Trung tâm Y khoa Tây Nam thuộc Đại học Texas đã tiến hành một loạt cuộc điều nghiên. Cụ thể, họ phân tích dữ liệu từ nghiên cứu sức khỏe tim đối với 102 nam giới và phụ nữ lớn tuổi, bao gồm thông tin hoạt động thể chất của họ trong ít nhất 20 năm qua. Dựa trên lịch sử vận động, các nhà khoa học chia họ thành 4 nhóm: Nhóm 1 ít vận động, nhóm 2 duy trì tập thể dục 2-3 lần/tuần (ít nhất 30 phút/lần), trong khi nhóm 3 và 4 có thói quen tập lần lượt là 4-5 lần/tuần và 6-7 lần/tuần. Sau khi chụp quét và kiểm tra tim, nhóm nghiên cứu phát hiện tim của những người ở nhóm 1 và nhóm 2 già hóa theo thời gian khi một phần cơ tim của họ, nhất là tâm thất trái, teo lại và yếu hơn. Trong khi đó, tâm thất trái của hai nhóm còn lại vẫn hoạt động khỏe như những người trẻ hơn hàng chục tuổi.
Tiếp tục so sánh mức độ cứng và lão hóa động mạch giữa nhóm ít vận động và nhóm siêng vận động trong số hơn 200 người lớn tuổi (gần 50% trên 70 tuổi), các chuyên gia phát hiện động mạch của nhóm tập thể dục ít nhất 4 lần/tuần linh hoạt hơn, thực hiện tốt chức năng cũng như trẻ và khỏe hơn hẳn so nhóm ít vận động hoặc chỉ tập thể dục 2-3 lần/tuần. Trong nghiên cứu trước đó, Tiến sĩ Levine và cộng sự còn phát hiện việc bắt đầu tập thể dục từ độ tuổi trung niên cũng tác động đáng kể đến việc trẻ hóa và duy trì độ dẻo dai của trái tim. Cụ thể, họ đã yêu cầu một nhóm nam giới và phụ nữ trung niên vốn ít vận động nhưng bắt đầu tập thể dục 4-5 lần/tuần (bao gồm đi bộ nhanh hoặc chạy bộ ít nhất 30 phút), còn nhóm đối chứng chỉ tập co duỗi và giữ thăng bằng. Sau 2 năm theo dõi và so sánh sức khỏe tim giữa hai nhóm, các chuyên gia nhận thấy tâm thất trái ở nhóm tập thể dục đã cải thiện so với lúc mới tham gia nghiên cứu, khỏe mạnh và ít cứng hơn, trong khi nhóm đối chứng thì không.
+ Ô nhiễm không khí có thể làm thay đổi cấu trúc của tim
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Anh phát hiện những người sống trong môi trường không khí ô nhiễm, dù nằm trong mức cho phép của Anh, vẫn có những thay đổi trong cấu trúc của tim tương tự chứng suy tim giai đoạn đầu.
Các chuyên gia tại Đại học Queen Mary đã phân tích dữ liệu của 4.000 người, bao gồm thông tin về lối sống, tiền sử sức khỏe, thông tin cụ thể về nơi sinh sống, đồng thời tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe và chụp cộng hưởng từ (MRI) tim để đo kích thước, trọng lượng và chức năng tim của họ ở những thời điểm nhất định.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa những người sống gần các con đường ồn ào, đông đúc hoặc phơi nhiễm với khí nitơ điôxít (NO2) hoặc bụi mịn PM 2,5 (bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micrômét) với việc tâm thất phải và trái của tim phát triển to hơn. Mặc dù những người tham gia nghiên cứu vẫn khỏe mạnh và không có các triệu chứng gì, nhưng những thay đổi nói trên của tim tương tự ở người bệnh suy tim giai đoạn đầu. Trưởng nhóm nghiên cứu Nay Aung cho biết: “Mặc dù nghiên cứu chưa cho thấy mối liên hệ nhân quả, nhưng chúng tôi phát hiện những thay đổi đáng kể ở tim kể cả khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở mức độ tương đối thấp”.
Được biết, mức độ ô nhiễm bụi PM 2,5 trong phạm vi cho phép của Anh là trung bình 25 microgam/mét khối không khí, cao hơn so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgam/mét khối không khí.