Ngày 11-8, tàu Parker dự kiến cất cánh từ Cape Canaveral, bang Florida – Mỹ vào lúc 4 giờ 28 phút (giờ địa phương). Hàng triệu người đã chờ đón để theo dõi sự kiện này nhưng sau đó hụt hẫng vì không có gì xảy ra.
Trên mạng xã hội Twitter, NASA thông báo: "Kế hoạch khởi động ParkerSolarProbe đã tạm ngưng. Đội ngũ (kỹ sư) sẽ nối lại công việc vào sáng 12-8". Cơ quan này không tiết lộ nguyên nhân kế hoạch bị trì hoãn.
Khi được phóng vào không gian, Parker sẽ tiếp cận khá gần bề mặt mặt trời để mở khóa một số bí mật của hệ mặt trời trong vòng 7 năm tới.
Đặc biệt, các nhà khoa học hy vọng tàu Parker sẽ cung cấp thông tin về gió mặt trời và các hạt năng lượng mặt trời.
NASA hoãn kế hoạch phóng tàu thăm dò mặt trời ngày 11-8. Ảnh: NASA
Con tàu sẽ trải qua nhiệt độ hơn 1.300 độ C khi bay vòng quanh mặt trời khoảng 24 lần và gửi dữ liệu về trái đất. Vào một số thời điểm, Parker sẽ bay cách mặt trời gần 6,2 triệu km.
"Hãy tưởng tượng mặt trời và trái đất cách nhau 1 m thì tàu Parker chỉ bay cách mặt trời 4 cm" - TS Nicky Fox, nhà khoa học người Anh, nói với đài BBC - "Con tàu cũng là vật thể nhân tạo bay nhanh nhất từ trước đến nay khi nó bay vòng quanh mặt trời với tốc độ lên tới 692.000 km/giờ, nghĩa là từ TP New York - Mỹ đến TP Tokyo - Nhật Bản trong chưa đầy 1 phút".
Bằng cách đến gần mặt trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác trong lịch sử loài người, mục tiêu chính của Parker là khám phá những bí mật của "corona" - bầu không khí bất thường bao quanh mặt trời.
"Corona" không chỉ nóng gấp 300 lần bề mặt mặt trời mà nó còn giải phóng các hạt plasma mạnh và tràn đầy năng lượng có thể tạo ra các cơn bão địa từ phá vỡ mạng lưới điện trên trái đất.
Con tàu được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt cực mạnh chỉ dày 4,5 inch (11,43 cm). Tấm chắn nhiệt này có khả năng chịu được bức xạ gấp khoảng 500 lần bức xạ của mặt trời lên trái đất.