Ảnh: rd.com
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Ann Graynbiel dẫn đầu tại Viện Công nghệ Massachusetts đưa ra kết luận trên sau khi tập trung tìm hiểu một dạng quy trình ra quyết định gọi là sự mâu thuẫn giữa giải quyết hoặc né tránh (vấn đề) – chỉ tình huống mà đối tượng phải đưa ra quyết định giữa 2 lựa chọn bằng cách cân nhắc những mặt tích cực và tiêu cực của mỗi lựa chọn đó.
Trong thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học đã tạo ra tình huống buộc chúng phải chọn lựa: cho thưởng thức nước trái cây như một phần thưởng nhưng kèm theo đó là một trải nghiệm khó chịu: bị thổi hơi vào mặt. Bằng cách điều chỉnh liều lượng phần thưởng và mức độ trải nghiệm cảm giác khó chịu, nhóm nghiên cứu nhận thấy chuột có cân nhắc chọn lựa mặt lợi-mặt hại giữa hai lựa chọn. Cụ thể, nếu thấy nước trái cây có lợi hơn cái cảm giác khó chịu, chúng sẽ chọn phần thưởng, nhưng nếu nhận phần thưởng mà phải chịu đựng quá nhiều sức ép khó chịu, chúng sẽ từ bỏ.
Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng thực hiện quá trình kích điện lên vùng nhân đuôi của não chuột để xem việc đưa ra quyết định của chúng bị ảnh hưởng như thế nào. Kết quả là khi vùng não này bị kích thích, hoạt động sóng não của chuột thay đổi và chúng có những quyết định khác hẳn so với trước khi bị kích thích, cụ thể là tập trung nhiều vào tổn thất hơn là giá trị phần thưởng.
Tiếp tục thử nghiệm kích thích vùng nhân đuôi của não khỉ, các chuyên gia cũng thấy chúng thường đưa ra quyết định tiêu cực do chỉ thấy thiệt hại tiềm ẩn chứ không tin vào lợi ích tiềm năng. Nhóm nghiên cứu cho rằng khi vùng nhân đuôi bị kích thích đã làm cản trở hoạt động sản xuất chất dopamine – dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn và tích cực – trong não, từ đó khiến người ta trở nên bi quan.
Theo các nhà khoa học, những phát hiện trên có thể giải thích vì sao một số người có cái nhìn lạc quan trong khi người khác lại dễ bi quan hoặc chán nản về các vấn đề phát sinh trong cuộc sống – chủ yếu bởi họ khó đối phó với những vấn đề thuộc về tâm lý. Điều này giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn bản chất của các triệu chứng lo âu và trầm cảm ở người, qua đó tìm ra phác đồ điều trị mới cho hai dạng rối loạn tâm thần này hiệu quả hơn.