Hình ảnh nửa thực, nửa như ảo ảnh về một khuôn mặt người thoáng hiện trên mặt trăng từng được rất nhiều người nhìn thấy. Các câu chuyện hoang đường, ma quái về hình ảnh bí ẩn ấy đã được thêu dệt nên trong rất nhiều nền văn hóa. Nhưng mới đây, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Rutgers và Đại học California ở Berkeley (Mỹ) giải mã dưới góc độ khoa học.
Đó là một hình ảnh được tạo nên bởi vô số "lốc xoáy mặt trăng".
Mặt trăng sở hữu một số vùng từ tính mạnh, phức tạp và vô số bụi từ tính. Khi mặt trăng nổi gió lớn, các vùng từ tính điều khiển lớp bụi này biến thành một lốc xoáy từ trường mạnh.
Những vùng từ tính này có dạng chuỗi, có chuỗi dài đến 64 km, liên kết với hình dạng các ống nham thạch – các đường hầm cổ đại bị bỏ lại sau quá khứ đầy những vụ phun trào núi lửa của mặt trăng. Núi lửa phá vỡ đá ở nhiệt độ cao, giải phóng các khoáng chất, vừa tạo nên các vùng từ tính vừa giải phóng những hạt bụi kim loại.
Chúng ta thấy được mặt trăng nhờ ánh sáng của mặt trời chiếu vào nó. Tuy nhiên, khi gió mặt trời đưa các hạt đi qua đúng thời điểm lốc xoáy từ tính diễn ra, nó sẽ khiến các hạt bị lệch và khiến một số vùng chìm trong bóng tối.
Thiên nhiên hài hước đã khiến các vùng bóng tối này được sắp xếp thành hai hố mắt sâu hoắm, lỗ mũi và khuôn miệng "người đàn ông mặt trăng". Do các vùng từ tính có vị trí ổn định nên suốt nhiều thế kỷ người trái đất vẫn nhìn thấy cùng một khuôn mặt.
Các lốc xoáy này NASA đã quan sát từ vài thập niên về trước, được mô tả như những xoáy kem đáng yêu trong ly cà phê Cappuchino. Tuy nhiên, họ không rõ các tính chất của lốc xoáy nên chưa liên kết được các lốc xoáy này với "người đàn ông mặt trăng".
"Trước đây, không ai nghĩ đến các lốc xoáy này khi tiến hành giải thích về từ tính mạnh bất thường trên mặt trăng" – tiến sĩ Sonia Tikoo, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Geophysical Research.