Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống

Thứ ba, 25 Tháng 9 2018 14:41 (GMT+7)
Các nhà khoa học kỳ vọng vật chất từ tiểu hành tinh Ryugu mà 2 "robot nhảy" có nhiệm vụ thu thập sẽ giúp giải mã được nguồn gốc của vũ trụ và cả sự sống trên trái đất.

Mới đây, 2 robot của Nhật Bản đã gửi những tấm hình chụp từ tiểu hành tinh Ryugu – một trong những vật thể được cho là cổ xưa nhất vũ trụ, tồn tại từ buổi sơ khai của Hệ Mặt Trời.

Sau khi thả 2 "robot nhảy" mang tên Minerva-II1A và Minerva-II1B, tàu mẹ Hayabusa-2 sẽ tiếp tục bắn một tên lửa đồng nặng 2 kg vào tiểu hành tinh này, tạo ra một hố thiên thạch nhỏ và đủ sâu để 2 robot nói trên thu thập mẫu vật chất sâu bên trong lòng Ryugu.

Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống - Ảnh 1.

Một hình ảnh chụp từ Ryugu - ảnh: JAXA

Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống - Ảnh 2.

Hình ảnh khác chụp từ Ryugu - ảnh: JAXA

Sở dĩ gọi là "robot nhảy" là vì 1a và 1b không chỉ là 2 chiếc đĩa bay cỡ nhỏ, mà có thể di chuyển bằng cách nhảy cóc trên bề mặt thiên thể, phù hợp với các nhiệm vụ chúng được giao phó.

Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống - Ảnh 3.

Ảnh đồ họa 2 robot nhảy - ảnh: JAXA

Sắp tới, tàu mẹ Hayabusa-2 sẽ tiếp tục tiến gần tiểu hành tinh này cho đến khi nó chỉ còn cách mặt đất khoảng 55 mét. Một "thiết bị trinh sát hành tinh đi động" mang tên Mascot của Pháp - Đức dưới hình dáng một chiếc xe tự hành mini cũng sẽ được tàu mẹ giải phóng để thực hiện nhiệm vụ khảo sát bề mặt.

Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống - Ảnh 4.

Xe tự hành Mascot - ảnh: DLR

Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống - Ảnh 5.

Hình ảnh thực về 2 robot thăm dò được chụp khi còn ở trên mặt đất - ảnh: JAXA

Ryugu là tiểu hành tinh hình kim cương, được đặt theo tên thủy cung Ryugu trong truyện cổ Nhật Bản – nơi một người thợ chài đã được mời đến thăm sau khi vô tình cứu được công chúa thủy tề, để rồi trở lên sau vài ngày và phát hiện trên mặt đất hàng trăm năm đã trôi qua.

Ryugu được phát hiện từ năm 1999, đường kính khoảng 1km, nằm gần trái đất và được xếp vào nhóm "nguy hiểm" bởi tồn tại xác suất va chạm với hành tinh của chúng ta. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện đây là một trong những thiên thể cổ xưa nhất Hệ Mặt Trời, như một di tích đã được giữ vẹn nguyên hàng tỉ năm tuổi. Do đó, công cuộc nghiên cứu Ryugu ngoài mục tiêu phòng thủ trái đất còn là tìm kiếm những bằng chứng cổ xưa về sự hình thành vũ trụ, trả lời câu hỏi: "Chúng ta đến từ đâu?".

Robot đổ bộ thiên thể cổ đại, tìm nguồn gốc sự sống - Ảnh 6.

Toàn cảnh tiểu hành tinh Ryugu - ảnh: JAXA

Sứ mạng nghiên cứu Ryugu hiện nay được dẫn đầu bởi Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). JAXA cũng là chủ nhân của tàu mẹ và 2 robot nhảy đổ bộ tiểu hành tinh Ryugu lần này.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học