Nghiên cứu mới của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho thấy con người có thể không đủ sức khỏe cho một chuyến du hành đến bất kỳ hành tinh khác nào, thậm chí cả "người láng giềng" Sao Hỏa - một hành tinh có bằng chứng từng tồn tại sự sống và vẫn còn những điều kiện tốt để hỗ trợ sự sống.
Thậm chí con người không đủ sức để đến được hành tinh gần nhất là Sao Hỏa?
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của NASA phát hiện ra rằng những bức xạ vũ trụ sẽ tấn công trực diện vào hệ tiêu hóa của phi hành gia, nhất là ruột và dạ dày, ngay khi họ còn trên đường di chuyển đến Sao Hỏa hoặc một hành tinh nào xa hơn.
Các bức xạ này sẽ làm cho dạ dày suy giảm, thậm chí mất khả năng hấp thụ dinh dưỡng hoặc là bệnh ung thư dạ dày tiến triển nhanh. Người du hành có thể thiệt mạng vì bệnh tật ít lâu sau khi đáp xuống hành tinh khác, trên đường về hoặc thậm chí ngay trên đường đi.
Để nghiên cứu, các nhà khoa học đã bắt những con chuột thí nghiệm tiếp xúc liều thấp với GCR, dạng bức xạ vũ trụ thiên hà có hại nhất mà con người chắc chắn sẽ phải đối diện khi lên đường khai phá hành tinh khác.
Bức xạ này mang những ion nặng như sắt và silicon, giống như những viên đạn siêu nhỏ, chuyển động siêu nhanh và có tính hủy diệt lớn hơn cả tia X hay tia gamma.
Ở trái đất và vùng không gian gần xung quanh, chúng ta được bảo vệ khỏi các bức xạ này nhờ từ trường mạnh mẽ của trái đất, khiến bức xạ bị chệch hướng. Tuy nhiên, sự tàn phá sẽ xảy ra nếu tàu vũ trụ mang theo con người đi xa khỏi tầm bảo vệ của hành tinh mẹ. Những con chuột trong thí nghiệm đã suy kiệt nhanh chóng do ruột chúng không thể hấp thụ chất dinh dưỡng ăn vào nữa, các khối ung thư cũng hình thành trong hệ tiêu hóa.
Tiến sĩ Karmal Datta, nhà khoa học đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chuyên ngành của NASA (đặt tại Đại học Georgetown ở Washington DC, Mỹ), thừa nhận: "Với công nghệ che chắn hiện tại, rất khó để bảo vệ các phi hành gia khỏi các tác động bất lợi của bức xạ ion nặng".
Hiện tại có một số loại thuốc được phát triển để chống lại điều này nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ để có thể bảo đảm một chuyến thám hiểm không gian xa thành công. Kỹ thuật hiện đại chỉ giúp bảo vệ phi hành gia khỏi sự sát thương trong những chuyến đi gần, ví dụ như lên mặt trăng, nơi từ trường trái đất còn bảo vệ con người được phần nào.
Các nhà khoa học khẳng định để kế hoạch Sao Hỏa và các kế hoạch xa hơn như ra khỏi hệ mặt trời, tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh… được thực hiện, khoa học sẽ phải tìm ra cách để bảo vệ con người trước sự khắc nghiệt của vũ trụ, song song với việc phát triển các phương tiện di chuyển.