Trong quá trình xây dựng, công nhân ở một công trường thuộc quận Queens, thành phố New York - Mỹ tìm thấy một quan tài sắt được chạm trổ cực kỳ công phu. Họ mở ra, phát hiện thi hài một cô gái đang trong tình trạng phân hủy nhưng nhìn giống như vừa chết cách đó ít ngày.
Ảnh phục chế dung nhan cô gái trong quan tài 170 năm không tan rã - ảnh: LIVE SCIENCE
Khi đến hiện trường, ban đầu cảnh sát nghi ngờ đây là phần còn lại của một phụ nữ trẻ mất tích gần đây, là nạn nhân của một vụ giết người. Thế nhưng kết quả giám định hoàn toàn bất ngờ: cô chết từ khoảng giữa thế kỷ 19!
Nhà pháp y khảo cổ Scott Warnasch thuộc Văn phòng Giám định Y khoa New York, người nhận nhiệm vụ tìm hiểu và phục hồi thi hài bí ẩn, cho biết ông đã chú ý ngay đến những mảnh sắt của chiếc quan tài – kiểu quan tài thế kỷ 19, từng được khai quật ở New Jersey.
Thi hài không có dấu hiệu của hóa chất ướp xác nhưng có thể chính chiếc quan tài sắt kín đã khiến "người đẹp ngủ trong rừng" không thể tan rã.
Thi thể thuộc về một phụ nữ trẻ khoảng 25-30 tuổi, cao 1,6 m, người Mỹ gốc Phi, mặc áo ngủ lụa thế kỷ 19, mũ đan và vớ kéo dài lên tận gối. Cô còn được tắm rửa và làm tóc cẩn thận trước khi chôn cất trong chiếc quan tài đắt giá. Ngoài ra, da của cô được bảo quản tốt đến nỗi họ có thể phát hiện ra những dấu vết trông như tổn thương của bệnh đậu mùa trên trán và ngực – có thể là lý do cô chết.
Tuy nhiên, phát hiện này khiến công cuộc khai quật bị đình trệ. Nhóm khảo cổ phải chờ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận rằng virus đậu mùa trên cơ thể cô không còn hoạt động.
Trước đó, nhóm khảo cổ đã kịp chụp MRI và CT để kiểm tra hồ sơ sinh học của cô gái. Bước đối chiếu hồ sơ dân số những năm 1950 cho thấy thi hài trên có thể thuộc về Martha Peterson, 26 tuổi. Cô gái được đưa về cõi vĩnh hằng trong một nghi thức trang trọng và yêu thương, cho dù mắc bệnh đậu mùa và người thân của cô biết rằng nó nguy hiểm.
Chiếc quan tài do ông Almond Dunbar Fisk thiết kế, được cấp bằng sáng chế năm 1848, là một chiếc hòm kín hoàn toàn, giúp người ta có thể vận chuyển tử thi đi đường dài mà không nhận thấy mùi của tử thi phân hủy bốc ra.
Quan tài này rất phổ biến với giới thượng lưu thế kỷ 19. Nhưng có lẽ chính ông Fisk cũng không ngờ thiết bị có thể ướp xác một con người suốt 170 năm không hư hỏng.