Theo Vietnamplus, các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế được một quy trình có thể tận dụng những thực vật phế thải trong quá trình thu hoạch nông nghiệp và chế biến gỗ thành nhiên liệu chất lượng cho động cơ phản lực, qua đó có thể giúp giảm khí thải CO2 từ máy bay và tên lửa.
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Joule số ra ngày 21/3 cho hay, các màng tế bào của thực vật chứa một loại polymer rẻ tiền, có thể tái tạo và rất dồi dào, có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu hàng không có độ đậm đặc cao.
Đồng tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Li Ning đến từ Viện Vật lý hóa học Dalian thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết loại nhiên liệu sinh học này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu khí thải CO2 vì được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên và đặc hơn nhiên liệu hàng không thông thường.
Ảnh minh họa
Sử dụng nhiên liệu đặc hơn có thể tăng đáng kể trọng tải và khoảng cách di chuyển của máy bay.
Nhóm nghiên cứu sử dụng cellulose thu được từ nước ép lúa mì non trong phòng thí nghiệm để sản xuất hỗn hợp gồm các chất hóa học C12 và C18, có nhiệt độ đóng băng thấp và đặc hơn 10% so với nhiên liệu máy bay thông thường.
Loại nhiên liệu sinh học này có thể được sử dụng thay thế hoàn toàn hoặc như một chất phụ gia để cải thiện hiệu quả của các loại nhiên liệu máy bay khác.
Máy bay sử dụng loại nhiên liệu này có thể bay xa hơn và có thể chở nặng hơn so với việc sử dụng nhiên liệu thông thường, giúp giảm khí thải CO2 trong khi cất cánh và hạ cánh.
Baobinhdinh.vn cho hay ngành hàng không quốc tế hồi năm 2016 đã đạt thỏa thuận đầu tiên về giới hạn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sau nhiều năm tranh cãi.
Theo thỏa thuận, bắt đầu từ năm 2020, sản lượng khí CO2 do ngành hàng không phát thải nhiều hơn sẽ được bù đắp lại bằng những hoạt động hấp thu loại khí này, chẳng hạn như trồng cây xanh.
Thỏa thuận trên đạt được trong một tuần quan trọng đối với chính sách về khí hậu, khi thỏa thuận Paris về ổn định tình hình biến đổi khí hậu vượt qua ngưỡng cửa quan trọng để trở thành luật.
Các nhà khoa học hoan nghênh cả hai thỏa thuận này nhưng cảnh báo kế hoạch cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn còn quá yếu.