Kính thiên văn khổng lồ James Webb
Sau hơn 20 năm nghiên cứu và chế tạo, mới đây các nhà khoa học của NASA đã hoàn thiện phần cuối cùng của chiếc kính thiên văn không gian khổng lồ James Webb, được kỳ vọng sẽ là cầu nối cho con người tiếp cận nhiều góc khuất trong vũ trụ.
Với chiều dài 20,1 m, chiều ngang 7,21 m, kính James Webb lớn gấp 7 lần so với các thế hệ "tiền bối" như Hubble hay Spitzer. Trọng lượng của James Webb khoảng 6,5 tấn.
Theo NASA, James Webb được thiết kế đạt đến độ nhạy và độ phân giải chưa từng thấy. Nhiệm vụ của James Webb nặng nề hơn các đời kính thiên văn không gian trước đây khi phải săn tìm những thiên thể tối, nhỏ và mờ nhạt vốn rất khó tìm thấy ở điều kiện thông thường.
Bên cạnh đó, NASA kỳ vọng James Webb cũng có thể ghi nhận những vật thể phát ra bước sóng lệch về bức xạ hồng ngoại hoặc những vật thể bị các vụ nổ trong vũ trụ che khuất.
James Webb dự kiến được đưa lên quỹ đạo ở độ cao kỷ lục 1,5 triệu km. Dù có thể quan sát những vật thể xa hơn, tối hơn, các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng việc bảo dưỡng, sửa chữa kính cũng sẽ khó khăn vì quá xa, chi phí tốn kém.
Dự án kính thiên văn không gian James Webb được khởi xướng từ năm 1996 với sự hợp tác của nhiều quốc gia, trong đó giữ vai trò chủ chốt là NASA, Cơ quan vũ trụ châu Âu và Cơ quan vũ trụ Canada.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm James Webb trong môi trường giả lập để điều chỉnh những sai sót nếu có trước khi đưa chính thức đưa vào không gian trong 2 năm tới.