J0740 + 6620, một vật thể kỳ lạ cách trái đất 4.600 năm ánh sáng đã khiến giới khoa học ngạc nhiên. Nó là một sao neutron lớn nhất, dày đặc nhất và mạnh nhất từng được phát hiện, một con quái vật thực sự của vũ trụ.
Mô phỏng về siêu sao neutron vừa được phát hiện (góc trái) và một sao lùn trắng đã vô tình giúp người trái đất quan sát được sao neutron đang ẩn nấp sau nó - ảnh đồ họa từ SWNS
Sao neutron là "bóng ma" của những ngôi sao khổng lồ, bé nhỏ nhưng là một trong những thứ mạnh nhất vũ trụ. Cuối đời một ngôi sao, nó sẽ phát nổ thành một siêu tân tinh, để rồi tất cả những gì còn sót lại được cô đặc thành một vật thể siêu mạnh và siêu nặng là sao neutron.
Theo nhóm nghiên cứu phối hợp nhiều viện, trường ở Mỹ do nhà thiên văn Thankful Cromartie từ Đại học Virginia đứng đầu, J0740 + 6620 có bề rộng khoảng 25 km, một kích thước nhỏ so với các vật thể vũ trụ khác nhưng lớn hơn nhiều so với mọi sao neutron từng được phát hiện, vốn chỉ khoảng 19 km. Với một sao neutron, kích thước đó đủ để giới khoa học nhận xét rằng nó lẽ ra "quá lớn để tồn tại".
Tuy có vẻ nhỏ bé, nhưng vật thể kia nặng gấp… 2,14 lần mặt trời, tức khoảng 700.000 lần trái đất của chúng ta. Vật thể đẩy lý thuyết thiên văn đến một giới hạn mới về độ lớn và dày đặc của một vật thể để có thể tồn tại trong vũ trụ mà không bị lực hấp dẫn của chính nó nhấn chìm và sụp đổ thành một lỗ đen. Vì vậy, sao neutron này có ý nghĩa rất lớn cho ngành vật lý thiên văn.
J0740 + 6620 được phát hiện nhờ một ngôi sao lùn trắng đồng hành, vô tình đi qua khoảng không gian giữa J0740 + 6620 và trái đất, khiến các xung từ ngôi sao biến động. J0740 + 6620 được quan sát bởi Đài thiên văn Greenbank ở Virginia. Tuy nó phát ra năng lượng cực mạnh nhưng bạn sẽ không thể tìm kiếm nó bằng mắt thường trên bầu trời, bởi không chỉ J0740 + 6620 quá xa, nó còn là một ẩn tinh, chỉ có thể nhìn thấy thông qua sóng điện từ mà nó thoát qua, thông qua các kính viễn vọng chuyên dụng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy .