Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal Geochemistry, Geophysics, Geosystems đã hé lộ về một "thế giới bị quên lãng" khó tin dưới lòng đất, có tuổi đời bằng với tuổi của chính trái đất: 4,5 tỉ năm tuổi.
Nhà địa chất học Curtis Williams (Đại học California-Davis, Mỹ) và cộng sự đã sử dụng các mô hình để tìm kiếm vị trí và nguồn gốc các mẫu đá núi lửa được thu thập từ khắp thế giới. Tất cả đã dẫn đường họ đến thế giới bí ẩn gồm 2 lục địa bằng đá rắn được chôn trong lớp phủ sâu của hành tinh, tức cách mặt đất hàng trăm dặm.
Trái đát rất "háu ăn", tức có hoạt động kiến tạo mảng vô cùng sôi động, từng nhiều lần nuốt chửng các thể giới trên mặt đất của chính mình vào bụng - ảnh: SHUTTERSTOCK
Đây có thể là những phần đất đai cổ xưa nhất của trái đất. Nghiên cứu cũng chỉ ra chúng có thể được hình thành từ một đại dương magma cổ đại, nên cực kỳ rắn chắc. 2 lục địa này có thể chính là phần đất đai hoặc đáy vững chắc của đại dương sơ khai, đã sống sót qua lịch sử núi lửa hỗn loạn của trái đất non trẻ và cả vụ va chạm với hành tinh Theia giả thuyết, tạo nên mặt trăng.
Nhưng cuối cùng, chính trái đất tự kết liễu phần đất đai cổ xưa này bằng quá trình hút chìm: hành tinh của chúng ta tự nuốt chửng một phần lớp vỏ của nó, theo nghĩa đen! Những mảnh đất đai cổ xưa này bị vùi sâu xuống hàng trăm dặm và trở thành thế giới bị quên lãng suốt phần lớn lịch sử hành tinh.
Trong khi đó, những mảng kiến tạo thẳm sâu đã có cơ hội trồi lên mặt đất và tạo thành lớp vỏ mới cho hành tinh chúng ta. Trong suốt 4,5 tỉ năm lịch sử, trái đất từng nhiều lần nuốt chửng đất đai, mà bằng chứng rõ ràng nhất là dấu vết của những lần đại dương bị nuốt dẫn đến các lục địa tái hợp thành siêu lục địa rồi lại bị xé rách nhiều lần.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện mới này cung cấp thêm dữ liệu để các nhà địa chất hiểu hơn về các hoạt động kiến tạo cổ xưa đã góp phần tạo nên trái đất với bộ mặt ngày nay.