Khủng long bạo chúa T-rex không phải là quái thú khổng lồ duy nhất gieo rắc kinh hoàng trên trái đất kỷ Phấn trắng. Bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học PLOS ONE đã hé lộ chân dung một sinh vật khác chỉ nhỏ hơn T-rex một chút về mặt kích thước nhưng đáng sợ không kém, tồn tại cùng thời.
SInh vật kỳ lạ đã được các nhà khoa học tái hiện - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nó được đặt tên là Siamraptor suwati, một sinh vật dài đến 8 m và chưa từng được ghi nhận trước đây trong hồ sơ cổ sinh vật học. Hóa thạch đặc biệt này được tìm thấy trong các mỏm đá tồn tại từ thời nguyên thủy gần huyện Ban Saphan ở Thái Lan, có độ tuổi đá tương đương các hòn đá chứa xương khủng long khác được khai quật ở Mỹ và Trung Quốc.
Hóa thạch bao gồm các bộ phận của cột sống, hông, bàn chân sau, chân trước và hộp sọ đã được chuyển đến cho nhóm nghiên cứu từ Đại học Nakhon Ratchasima Rajabhat (Thái Lan) và Đại học Tỉnh Fukui (Nhật Bản).
Đầu của "quái thú" với hàm răng cực kỳ hữu ích khi săn mồi - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Phần hộp sọ đã kể về con khủng long nhiều nhất. Siamraptor suwati có sọ hơi khác với T-rex. Sọ T-rex kín, rộng và khá tròn, trong khi sinh vật này có cái đầu giống đầu chó, mõm cao và hẹp, đặc biệt là răng như những lưỡi kiếm, rất giống với hàm cá mập. Hàm răng giúp con vật dễ dàng nghiền nát kể cả các sinh vật ăn thịt khác nhỏ hơn, như cá sấu. Cách nó ăn khá giống với các loài mèo lớn hiện đại (như hổ), hầu như chỉ chừa lại xương của nạn nhân.
Phát hiện này rất quan trọng đối với bức tranh cổ sinh vật học. Siamraptor suwati thuộc về nhóm cararodontizard, tức những "thằn lằn răng cá mập". Họ hàng của nó từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi nhưng chưa từng thấy ở Châu Á. Vì vậy, Siamraptor suwati chắc chắn là loài đầu tiên trong cây gia đình xâm lược và thống trị miền đất Đông Nam Á trong kỷ Phấn trắng sớm.