Một cá thể tê tê Malay trên cây. Ảnh: Jinping Chen.
Tìm hiểu nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19 là một trong những câu hỏi quan trọng mà các nhà khoa học đang cố gắng giải quyết. Giả thuyết hiện tại các nhà khoa học đưa ra như sau: SARS-CoV-2 đã đi qua một vật chủ bí ẩn trong hành trình tiến hóa của nó từ dơi sang người. Những con tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng đã là một ứng cử viên cho vật chủ trung gian này.
Nhưng một phân tích gen do nhà di truyền học Ping Liu từ Viện Hàn lâm Khoa học Quảng Đông, Trung Quốc dẫn đầu đã cung cấp bằng chứng cho thấy có thể giả thuyết trên không đúng.
Nghiên cứu được công bố ngày 14-5 trên tạp chí truy cập mở PLOS Pathogens. Theo ghi nhận của các tác giả, việc giám sát virus corona trên quy mô lớn ở những động vật như tê tê có thể cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về phổ của virus corona trong tự nhiên và có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Tháng 12 năm ngoái, một đợt bùng phát của bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hội chứng hô hấp cấp tính nặng do virus corona 2 (SARS-CoV-2) gây ra Covid-19 có thể có nguồn gốc từ dơi. Nhưng SARS-CoV-2 có thể đã nhảy sang người từ một vật chủ trung gian khác và nguồn gốc của loại virus này vẫn chưa được biết.
Để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả và ngăn chặn sự lan tỏa mới, điều quan trọng là phải xác định nguồn gốc động vật của loại virus corona mới nổi này. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã kiểm tra xem tê tê có thể là vật chủ trung gian cho SARS-CoV-2 hay không.
Họ đã tập hợp toàn bộ bộ gen của một loại virus corona được xác định trong hai nhóm tê tê Malaya bị bệnh. Kết quả cho thấy virus corona từ tê tê có liên quan về mặt di truyền với SARS-CoV-2 và một nhóm các virus corona từ dơi. Nhưng phân tích sâu hơn cho thấy SARS-CoV-2 không phát sinh trực tiếp từ virus corona từ tê tê.
Nhóm của Liu cũng cho rằng, những điểm tương đồng có thể chỉ ra rằng sự tái tổ hợp đã xảy ra ở đâu đó trong quá trình tiến hóa của các loại virus khác nhau, nơi bộ gen của virus trao đổi các mảnh vật liệu di truyền của chúng với nhau. Tuy nhiên, phân tích của họ về mối quan hệ tiến hóa giữa ba loại virus không hỗ trợ ý tưởng rằng phiên bản con người tiến hóa trực tiếp từ con tê tê.
"Ở cấp độ bộ gen, SARS-CoV-2 cũng di truyền gần với virus corona từ dơi hơn so với virus corona từ tê tê", họ viết trong bài báo.
Mặc dù nghiên cứu này không ủng hộ ý kiến cho rằng tê tê là vật chủ trung gian trực tiếp chịu trách nhiệm cho sự xuất hiện của SARS-CoV-2, nhưng các virus corona khác có thể xuất phát từ tê tê.
Theo các tác giả, bảo tồn động vật hoang dã và hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã sẽ rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro virus corona lây lan từ động vật hoang dã sang người.
HẢI PHONG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)