Khác với Sao Mộc hay Sao Thổ, Sao Hải Vương là dạng "hành tinh băng đá", về cơ bản cũng là hành tinh khí nhưng có tỉ lệ lớn các phân tử băng làm bằng nước, amoniac và mê-tan, nên có khối lượng riêng lớn. LTT 9779b là một hành tinh giống vậy với khí quyển chiếm 9% khối lượng.
Ảnh đồ họa mô tả ngôi sao kỳ lạ trong chòm Ngọc Phu và "Sao Hải Vương cực nóng" độc nhất vô nhị mà nó sở hữu - Ảnh: ĐẠI HỌC CHILE
Thay vì ở cực xa sao mẹ và cực lạnh như hành tinh thứ 8 của Hệ Mặt Trời, phiên bản đảo ngược này lại quay sát sao mẹ với 1 năm chỉ dài 19 giờ và thuộc khu vực gọi là "sa mạc Sao Hải Vương. Trong khu vực đó, một hành tinh không thể tồn tại mà không bị sao mẹ tước đoạt hết bầu khí quyển. Ngược lại, những hành tinh khí khổng lồ như vậy lại có trường hấp dẫn mạnh đến nỗi giữ chặt bầu khí quyển của mình. 2 điều trái ngược đó đã khiến nơi này không thể có một phiên bản Sao Hải Vương như vậy.
Theo nhóm tác giả đứng đầu bởi giáo sư James Jenkins từ Khoa Thiên văn của Đại học Chile, các bước phân tích sau đó cho thấy rất có thể đây từng là một hành tinh có tỉ lệ khí lớn hơn nhiều và nằm xa sao mẹ, nhưng vì một lý do gì đó đã bị di chuyển và phần lớn khí quyển đã bị sao mẹ chiếm hữu.
Hiện tại LTT 9779b có nhiệt độ bề mặt khoảng 1.727 độ C, đủ để làm các nguyên tố nặng như sắt cũng bị bốc hơi trong bầu khí quyển. Sao mẹ của nó lại đang sở hữu lượng sắt trong khí quyển gấp đôi sắt của Mặt Trời.
Hệ sao cách chúng ta chỉ 260 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Ngọc Phu (Sculptor), nên sẽ thuận lợi cho những nghiên cứu mở rộng sau này. Công trình vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Thu Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)