Gợi mở hướng nghiên cứu mới từ những phát hiện về hang động núi lửa Krông Nô

Thứ bảy, 09 Tháng 1 2021 07:55 (GMT+7)
Ngày 8-1, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước tiến hành nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình Tây Nguyên: “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”. Đề tài do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, TS La Thế Phúc chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2020.
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài.
 
Tại Việt Nam, hang động đá vôi có rất nhiều, nhưng hang động núi lửa chỉ phân bố ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) và huyện Krông Nô (Đắk Nông). Hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện năm 2007, được xác lập có quy mô, độ dài và tính độc đáo nhất Đông - Nam Á vào năm 2014.
 
Năm 2017, di tích khảo cổ tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện, cho thấy hang động núi lửa ở Krông Nô là tổ hợp của nhiều di sản cả về di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hóa. Di tích rất cần được mở rộng tìm kiếm, điều tra, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các giá trị trên phạm vi toàn Tây Nguyên, nhằm làm cơ sở khoa học cho bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, bộ hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông trình duyệt UNESCO cũng rất cần các nghiên cứu  mới, phát hiện mới, chuyên sâu, liên ngành để làm nổi bật các giá trị toàn cầu của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, góp phần quyết định cho danh hiệu và duy trì danh hiệu công viên địa chất toàn cầu lâu dài cho Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Vì thế, đề tài có tính cấp thiết cao đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt.
 
Sau ba năm thực hiện, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học của nhiều chuyên ngành, sáu phát hiện mới của đề tài được các nhà khoa học trong và người nước đánh giá cao: Phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô; lần đầu tiên ở Việt Nam tách chiết thành công DNA từ xương động vật cổ; phát hiện di tích cư trú tiền sử trên miệng múi lửa Hố Tre ở thôn Hòa Tây, xã EaBong, huyện Krông Ana, Đắk Lắk; phát hiện hàng hoạt di tích đá cũ có tính hệ thống dọc lưu vực sông Ba ở Tây Nguyên; phát hiện loài bọ cạp mới, đặc hữu trong hang động núi lửa Krông Nô. Với các phát hiện mới nổi bật nêu trên, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã đánh giá đề tài đoạt loại xuất sắc.
 
Trong đó, đáng chú ý, kết quả nghiên cứu gây chấn động giới khoa học là lần đầu tiên tìm thấy di cốt của người tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 6.870 năm ở hang động núi lửa Krông Nô. Theo PGS, TS Nguyễn Trung Minh, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên ở hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Tại buổi nghiệm thu đề tài, nhóm nghiên cứu cho biết, người tiền sử định cư liên tục trong hang (khoảng từ năm đến sáu nghìn năm), tiến hành săn bắt và hái lượm, chưa có dấu hiệu trực tiếp của sự trồng trọt và chăn nuôi. Tổ hợp công cụ đặc trưng là những chiếc rìu đá hình bầu dục, hình đĩa, rìu ngắn ghè hai mặt, gợi lại loại hình kỹ thuật Hòa Bình. Táng thức của cư dân tiền sử ở hang động núi lửa Krông Nô bảo lưu văn hóa Hòa Bình, đó là chôn người trong hang, theo tư thế nằm bó gối, ngồi bó gối, chôn theo công cụ và đồ trang sức rắc thổ hoàng.
 
Kết quả của đề tài đã được tích hợp vào bộ hồ sơ công viên địa chất, góp phần làm nên danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông và sẽ tiếp tục cung cấp các luận cứ khoa học để duy trì danh hiệu qua các lần tái thẩm định sau này. Đề tài là cơ sở khoa học vững chắc cho công tác bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý di sản hang động phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên, cho quy hoạch xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ di sản và khai thác hợp lý các giá trị di sản. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho địa phương.
 
Kết quả nghiên cứu cũng mở ra nhiều vấn đề mới có giá trị về khoa học và thực tiễn, như: Vấn đề tìm kiếm phát hiện, nghiên cứu ADN trong xương động vật cổ và di cốt người tiền sử; nghiên cứu môi trường địa chất - địa hóa - cổ sinh thái liên quan hang động; nghiên cứu bảo tồn di tích tiền sử trên các di sản địa chất (miệng núi lửa, thác nước…) phân bố rải rác ở Tây Nguyên; bảo tồn di tích Đá cũ trong dòng chảy lịch sử con người tiền sử ở thung lũng cổ sông Ba…
 
THANH QUÝ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học