Trà Vinh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Thứ bảy, 06 Tháng 3 2021 07:55 (GMT+7)
Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đạt được nhiều thành tựu trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Ðáng chú ý, việc triển khai Chương trình Nông thôn miền núi (NTMN) đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở ấp Ðại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh).
 
Trà Vinh là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí giáp sông Tiền, sông Hậu và Biển Ðông, cho nên nền nông nghiệp khá đa dạng, gồm ba vùng sinh thái nước ngọt, mặn và lợ, với nhiều cây trồng, vật nuôi khác nhau. Trong cây nông nghiệp, tỉnh có nhiều loại quả nổi tiếng như: măng cụt Tân Quy, dừa sáp và cam sành Cầu Kè; xoài Châu Nghệ; quýt đường Thuận Phú.
 
5 năm qua, tỉnh Trà Vinh được Chương trình NTMN hỗ trợ triển khai năm dự án. Ðiển hình là dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống và trồng cam sành không hạt chất lượng cao do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh chủ trì. Ðến nay, dự án đã tiếp nhận và triển khai các quy trình kỹ thuật nhân giống, canh tác, phòng trừ dịch hại, thu hoạch và bảo quản, đồng thời tập huấn cho 200 lượt nông dân về kỹ thuật.
 
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết: Diện tích trồng cam sành không hạt được triển khai hơn 20 ha tại các huyện Châu Thành, Cầu Kè đã đạt hiệu quả cao, chính quyền và người dân đồng tình ủng hộ. So với cam sành thông thường, cam sành không hạt có giá trị cao hơn từ 30 đến 40%. Nếu áp dụng tốt quy trình kỹ thuật sẽ có lợi nhuận cao hơn từ 40 đến 50%.
 
Hiện nay, áp dụng các quy trình công nghệ đã giúp tạo nguồn giống chất lượng, chủ động cung cấp giống cho địa phương, cây to khỏe, không sâu bệnh, năng suất và chất lượng quả tốt. Ðây là mô hình sản xuất cam sành không hạt an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh, giúp người dân làm giàu, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người, cung cấp sản phẩm mới lạ; khắc phục được phương pháp trồng trọt của người dân dùng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, mật độ trồng quá dày…
 
Chăn nuôi cũng được coi là ngành sản xuất quan trọng của Trà Vinh. Các dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, mô hình nuôi dê lai đã được triển khai trên địa bàn các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang.
 
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Trà Vinh cho biết: Các dự án tuy chưa kết thúc, nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả. Thông qua các lớp đào tạo chuyển giao công nghệ đã xây dựng được đội ngũ kỹ thuật viên nắm vững và thành thạo các quy trình công nghệ, góp phần giúp triển khai các dự án hiệu quả. Về lâu dài, đây là nguồn lực để góp phần tạo ra nguồn cây, con giống có năng suất, chất lượng cao cung cấp cho người dân.
 
Các dự án được triển khai ở Trà Vinh đã hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất đối với đồng bào dân tộc, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.
 
Ðánh giá về công tác đưa KH và CN giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, nuôi trồng, lãnh đạo Sở KH và CN Trà Vinh cho rằng: Kết quả của các dự án thời gian qua đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phổ biến về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer.
 
Các kỹ thuật về giống cây trồng, con nuôi, kỹ thuật canh tác đều được nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao trực tiếp thông qua việc xây dựng mô hình, hoặc gián tiếp thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân áp dụng ở các mức độ khác nhau, đem lại kết quả tốt.
 
Từ đó đã thu hút người dân ủng hộ, tham gia và tin tưởng vào các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, áp dụng. Tuy nhiên, việc triển khai còn một số khó khăn như: Cơ chế phê duyệt thuyết minh dự án còn phức tạp; việc giải ngân chậm đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Việc phối hợp giữa đơn vị chủ trì với đơn vị chuyển giao công nghệ đôi lúc chưa chặt chẽ. Tình trạng hạn, mặn xâm nhập, nắng nóng ảnh hưởng nhiều quá trình thực hiện.
 
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp Trà Vinh sẽ phát triển diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái theo hướng công nghệ cao.
 
Ðồng thời đẩy mạnh ứng dụng KH và CN, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao, thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
 
Minh Tuấn - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học