Lần đầu phát hiện thỏ vằn Trường Sơn tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà

Thứ bảy, 26 Tháng 6 2021 08:30 (GMT+7)
Một phát hiện gây bất ngờ với các nhà sinh vật học trong nước và quốc tế mới được công bố trên Mamalia, tạp chí khoa học uy tín về thú: Thỏ vằn Trường Sơn (tên khoa học Nesolagus timminsi) được ghi nhận lần đầu tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng).
Hình ảnh thỏ vằn Trường Sơn ghi nhận qua bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Nguồn: Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà).
 
Theo Sách đỏ IUCN, loài thú này đang được xếp vào nhóm nguy cấp (Endangered).
 
Tiến sĩ Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà thông tin, loài thú đặc biệt này được phát hiện vào tháng 9-2020, bởi các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu rừng nhiệt đới thuộc vườn quốc gia này và Viện Sinh thái học miền nam (SIE), Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC).
Lần đầu phát hiện thỏ vằn Trường Sơn tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà -0
Hình ảnh thỏ vằn Trường Sơn ghi nhận tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà công bố trên tạp chí khoa học Mamalia. (Nguồn: Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà). 
 
Trước đây, thỏ vằn Trường Sơn, loài thú cổ ở dãy Trường Sơn, được cho chỉ có phân bố ở phía bắc và trung Trường Sơn. Ghi nhận mới này cách hơn 400 km về phía nam của vùng phân bố được biết đến trước đó. Việc phát hiện được một quần thể mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn loài thỏ vằn Trường Sơn đang bị đe dọa toàn cầu này.
 
“Chúng tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy thỏ vằn Trường Sơn trong dữ liệu thu được từ bẫy ảnh. Không ai có thể nghĩ loài này lại xuất hiện cách một nơi quá xa so với vùng phân bố được biết tới. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn biết rất ít về các khu rừng dọc dãy Trường Sơn”, Tiến sĩ Andreas Wilting, nhà nghiên cứu từ Leibniz-IZW, nói.
 
Hiện, các nhà khoa học đang lên kế hoạch khảo sát sâu hơn, để đánh giá hiện trạng quần thể của loài và tìm hiểu quần thể mới phát hiện ở Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà có khác biệt về mặt di truyền như thế nào, so với các quần thể ở bắc và trung Trường Sơn.
 
Thạc sĩ Lê Duy, nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái học miền nam và là một trong những thành viên chính của nhóm khảo sát, nói: “Chúng tôi đang cố gắng thu thập thật nhiều dữ liệu về quần thể vừa mới phát hiện. Các nghiên cứu chuyên sâu di truyền và khảo sát về hiện trạng quần thể của loài trong thời gian sắp tới, sẽ cung cấp thông tin mang tính khoa học và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định và triển khai các hoạt động bảo tồn loài thú đặc hữu này”.
Lần đầu phát hiện thỏ vằn Trường Sơn tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà -0
Vùng phân bố trước đây và phát hiện mới thỏ vằn Trường Sơn tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Nguồn: Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà). 
 
Thỏ vằn Trường Sơn là một trong những loài hiếm và đang bị đe dọa, mà các nhà khoa học phát hiện được ở Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Các đợt khảo sát từ tháng 9-2020 đến tháng 10-2021, cũng đã ghi nhận được các loài như mang lớn, cầy vằn và gấu chó, góp phần chứng minh Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là một trong những khu bảo tồn có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của Việt Nam.
 
Theo Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, bước tiếp theo, nhóm công bố tiếp tục cùng các đối tác nghiên cứu thêm xu thế tăng hay giảm về mật độ quần thể và các yếu tố sinh thái ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài.
 
“Điều chúng tôi lo lắng, nguy cơ suy giảm quần thể này sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng cục bộ của quần thể duy nhất được biết đến của loài thỏ vằn ở nam Trường Sơn. Chúng tôi rất mong muốn thực hiện các hoạt động cụ thể để bảo vệ loài thú đặc hữu này, như là một phần của nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, yếu tố làm cho Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà trở nên đặc biệt”, Tiến sĩ Lê Văn Hương chia sẻ.
 
MAI VĂN BẢO - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học