Chấn động: “Thế giới thứ hai” sâu 2.000 dặm trong lòng Trái Đất

Thứ hai, 10 Tháng 4 2023 11:10 (GMT+7)
Ở nơi tiếp giáp giữa lõi và lớp phủ Trái Đất, các nhà khoa học phát hiện ra đáy đại dương cổ đại và núi non hùng vĩ, một thế giới bí ẩn, sâu thẳm nhưng vẫn ảnh hưởng đến chúng ta.
 
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances cho biết "thế giới thứ hai" được tạo nên bởi một mảng đáy đại dương mật độ cao nhưng mỏng, rất có thể là đáy đại dương cổ đại ngay trên bề mặt Trái Đất, đã bị chính hành tinh nuốt vào từ rất lâu thông qua quá trình hút chìm.
 
Công trình được thực hiện dựa vào dữ liệu địa chấn quy mô toàn cầu về những gì tồn tại ở bên trong Trái Đất, dẫn đầu bởi Đại học Alabama (Mỹ).
 
Chấn động: Thế giới thứ hai” sâu 2.000 dặm trong lòng Trái Đất - Ảnh 1.
Trái Đất và lõi nóng bỏng bên trong, nơi dữ liệu địa chấn bị chậm lại, "lạc lối" ở khu vực tiếp xúc lớp phủ và lõi - Ảnh: ĐẠI HỌC BANG ARIZONA
 
Dữ liệu địa chấn vốn có thể giúp con người "nhìn" thấy các cấu trúc ẩn giấu sâu thẳm bên trong, do nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng thứ mà nó đi xuyên qua.
 
Lần này dữ liệu địa chấn đã gây sốc khi tiết lộ một thế giới thứ hai, nơi những ngọn núi hùng vĩ có thể ngự trị trên mảng đáy đại dương cổ. Thế giới này có thể bao phủ một phần lớn lõi hành tinh và vươn mình lên bên trong lớp phủ.
 
Chúng tạo thành một "vùng vận tốc cực thấp" (ULVZ) bên trong Trái Đất, bởi vận tốc sóng địa chấn chậm lại khi đi qua các cấu trúc dày đặc hơn phần đá nóng thông thường của lớp phủ.
Ước tính nơi mà thế giới này ngự trị là tận 2.000 dặm (3.218 km) bên dưới bề mặt, với các ngọn núi vươn cao từ 3 dặm (4,8 km) đến 25 dặm (40 km).
 
Những ngọn núi dưới lòng đất vẫn ảnh hưởng đến chúng ta, bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong cách nhiệt thoát ra khỏi lõi, từ đó cung cấp năng lượng cho từ trường.
 
Từ trường tạo nên một lớp vô hình gọi là từ quyển, "áo giáp" của Trái Đất bảo vệ chúng ta khỏi các bức xạ khốc liệt của vũ trụ, giúp sự sống có cơ hội sinh sôi và khí quyển không bị thất thoát.
 
Trong khi đó, sự hút chìm khiến đáy đại dương cổ đại chui sâu tận 2.000 dặm là một phần của quá trình gọi là kiến tạo mảng, nơi 15-20 mảnh vỏ của Trái Đất liên tục di chuyển, trượt lên nhau. Đôi khi một mảng lọt hẳn xuống bên dưới và mảng khác lại chui lên, khiến các đại dương và lục địa nó mang trên mình liên tục di chuyển.
 
Do đó đất đai hành tinh đã nhiều lần hợp thành siêu lục địa rồi lại phân tách thành nhiều châu lục như ngày nay trong suốt lịch sử hàng tỉ năm.
 
 
 

Bài viết mới nhất của Khoa Học